Xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản 10 triệu liệu có khả thi?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:40, 15/05/2024
Đây là một nội dung quan trọng trong Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Theo đó, từ 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng có giá trị trên 10 triệu đồng sẽ bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản.
Khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản phải được kiểm tra với thông tin trên căn cước công dân gắn chip. Ngoài ra, nếu giao dịch của người dùng trong một ngày đạt ngưỡng 20 triệu, họ sẽ phải thực hiện việc xác thực lại khuôn mặt.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến thời điểm quy định mới có hiệu lực, trước những băn khoăn của báo chí, tại hội thảo "Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng" ngày 13/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, việc áp dụng yêu cầu xác thực khuôn mặt từ ngày 1/7 là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Dũng, từ tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cùng Bộ Công an ký kế hoạch về làm sạch dữ liệu. Cụ thể, dữ liệu ngân hàng phải được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu căn cước công dân.
Điều này được thực hiện bằng nhiều biện pháp kiểm tra, offline (với thiết bị tại quầy), online (kiểm tra với CSDL căn cước công dân và VNeID)... Khi đã có dữ liệu làm sạch rồi, chỉ cần so sánh với khuôn mặt của người giao dịch. Do đó, việc xác thực sinh trắc học các giao dịch thanh toán bằng khuôn mặt người dùng hoàn toàn khả thi.
“Nhiều công ty công nghệ đang làm việc với các ngân hàng. Tôi tin là điều này khả thi. Ngày 1/7 phải làm, nếu không các ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm bởi đây là quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, ông Dũng khẳng định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, có 2 đối tượng chưa triển khai việc xác thực khuôn mặt khi giao dịch. Đó là khách hàng có tài khoản thanh toán là người nước ngoài và những người thực hiện giao dịch chuyển khoản có giá trị dưới 10 triệu.
Về vấn đề bảo mật, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, dữ liệu ngân hàng luôn phải được bảo mật ở mức độ cao. Đây là điều mà các ngân hàng phải thực hiện liên tục, thường xuyên chứ không chỉ khi Quyết định số 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực.
Ở góc độ một người làm nghề, theo ông Dũng, trước kia các chương trình mobile banking tại Việt Nam thuần là đi mua của nước ngoài. Khi gặp vấn đề, muốn sửa đổi, có khi riêng việc đàm phán hợp đồng đã mất đến 1 tháng.
Với việc có rất nhiều công ty công nghệ trong nước đã phát triển được các giải pháp eKYC (xác thực điện tử), nếu có vấn đề phát sinh, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xử lý được ngay. Trên cơ sở đó, việc tất cả giao dịch ngân hàng có giá trị trên 10 triệu đồng bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt người giao dịch là hoàn toàn khả thi.