Tại sao Ukraine liên tiếp tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga?
Tin thế giới - Ngày đăng : 06:33, 14/05/2024
Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga để cản trở doanh thu xuất khẩu của Moscow, cũng như nguồn cung nhiên liệu cho các lực lượng quân sự Nga.
Theo hãng tin Reuters, hồi tuần trước, máy bay không người lái (UAV) Ukraine đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở vùng Kaluga của Nga. Nhà máy lọc dầu Neftekhim Salavat của Gazprom, một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga, cũng bị tập kích trong tuần qua.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chỉ trích chiến thuật tấn công của Ukraine. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, hành động tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu, và thúc giục Ukraine chuyển trọng tâm tấn công sang các mục tiêu quân sự để có thể tạo ra tác động trực tiếp tới cuộc xung đột hiện tại. Song bất chấp lời cảnh báo từ Mỹ, Ukraine vẫn liên tiếp tấn công các cơ sở dầu mỏ của Nga.
Theo tạp chí Foreign Affairs, ông Michael Liebreich, người sáng lập Bloomberg New Energy Finance, bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, và ông Sam Winter-Levy tại Đại học Princeton cho rằng hành động tập kích của Ukraine vào các cơ sở lọc dầu của Nga sẽ không khiến giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến.
Các chuyên gia nhận định, những cuộc tấn công này sẽ cản trở khả năng Nga biến dầu thành các sản phẩm tinh chế như xăng, và không ảnh hưởng đến khối lượng dầu mà Nga có thể khai thác hoặc xuất khẩu.
“Trên thực tế, với công suất lọc dầu trong nước giảm, Nga sẽ buộc phải xuất khẩu nhiều dầu thô hơn, từ đó đẩy giá dầu toàn cầu xuống thay vì tăng”, ba chuyên gia cho hay.
Cũng theo họ, các cuộc tấn công của Ukraine có thể sẽ làm ảnh hưởng đến người dân ở Nga, nơi giá khí đốt hoặc dầu diesel đang tăng cao. Điều này có nghĩa các cuộc tấn công của Ukraine đã làm được điều mà những biện pháp trừng của phương Tây không thể tạo ra.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga để hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga đã chuyển gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Theo hãng tin Bloomberg, doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong tháng 4 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng minh sự thành công của Nga trong việc chuyển hướng xuất khẩu.
Ngoài ra, theo thông tin được Reuters đăng tải hồi tháng 4, Nga dường như đã nhanh chóng sửa chữa một số cơ sở lọc dầu quan trọng bị Ukraine tấn công, từ đó giảm công suất bị ảnh hưởng xuống khoảng 10% từ mức gần 14% vào cuối tháng 3.