Nữ TS Việt trong top ảnh hưởng thế giới, điều hành Quỹ khoa học 'triệu đô'
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 08:12, 13/05/2024
Quỹ VinFuture thành lập từ năm 2020 với kinh phí hoạt động ban đầu được cam kết là 2.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, từ hai nhà sáng lập.
Những ngày đầu, việc có một giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu xuất phát từ quốc gia đang phát triển như Việt Nam mang đến nhiều câu hỏi, sự bất ngờ, thậm chí là… nghi ngại nhất định, thì dần trải qua 3 mùa giải, Quỹ ngày càng nhận được sự công nhận và ủng hộ lớn từ cộng đồng các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Báo Dân trí có cuộc trò chuyện với TS Lê Thái Hà về hành trình nghiên cứu khoa học và mối duyên với công việc điều hành giải thưởng "triệu đô".
Thưa TS Lê Thái Hà, khi hình dung về các nhà khoa học, mọi người thường nghĩ đến các trí thức hàn lâm, có tính cách rất nghiêm cẩn và mẫu mực. Vậy xin hỏi hình dung này có đúng về TS Lê Thái Hà không?
- Đúng là đối với nhiều người, hình ảnh của một nhà khoa học thường gắn liền với tính cách nghiêm túc và hàn lâm. Điều này cũng đúng với tôi trong công việc.
Tôi luôn tập trung và nghiêm túc trong công việc nói chung cũng như hoạt động nghiên cứu và khoa học nói riêng. Tôi yêu những gì mình theo đuổi, và tìm thấy niềm đam mê và cảm hứng một cách tự nhiên trong công việc của mình. Và tôi cũng may mắn được làm việc, trao đổi với những người tài năng, nhiệt huyết, điều đó cũng khiến tôi cảm thấy mình luôn cần nỗ lực để đạt được những kết quả tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, ngoài công việc, khi về bên gia đình và bạn bè, hay bên cạnh những người đồng nghiệp thân thiết, tôi cho phép bản thân được thoải mái và vô tư để tận hưởng thời gian thư thái bên cạnh những người thân, những người tôi yêu quý. Tôi tin rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và tinh thần làm việc hiệu quả.
Hành trình đến với công việc nghiên cứu khoa học của Thái Hà bắt đầu như thế nào? Đây là truyền thống gia đình hay một quyết định tự thân?
- Gia đình tôi rất coi trọng việc học tập. Từ khi còn nhỏ, con cháu trong nhà luôn nhận được sự khích lệ và động viên từ ông bà, bố mẹ để học tập, rèn luyện bản thân và phát triển tính tự lập, một giá trị mà gia đình quân đội như chúng tôi thường đề cao. Không chỉ tôi mà em gái tôi cũng theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật - bạn ấy cũng sắp hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) của một trường đại học lớn của Úc trong năm nay, ở tuổi 26.
Bố mẹ tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính, và có lẽ việc cùng gia đình thường xuyên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội trong những bữa ăn tối, cùng nhau xem tin thời sự từ thuở nhỏ đã mang đến cho tôi sự thích thú để tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề này. Tôi cũng học chuyên toán từ bé nên may mắn là năng lực bản thân cũng phù hợp để theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu kinh tế.
Gia đình tôi từng mong muốn tôi theo đuổi nghề giáo vì cho rằng đó là một công việc cao quý, phù hợp với người phụ nữ để vừa có thể làm việc, cống hiến mà vẫn có thể dành thời gian chăm sóc gia đình. Khi ở bậc cử nhân, tôi được trải nghiệm công việc nghiên cứu trong chương trình URECA (dành cho sinh viên top 5% của khóa) tại Đại học công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Được giáo sư hướng dẫn và gia đình động viên, tôi quyết định nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần chương trình PhD tại NTU ngay sau khi tốt nghiệp.
Cứ như vậy, tôi đã theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học và trở thành một giảng viên đại học (Đại học Fulbright và Đại học RMIT Việt Nam) sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, và cũng gắn bó với công việc này trong gần 10 năm trước khi gia nhập Quỹ VinFuture cách đây hơn 2 năm.
TS Lê Thái Hà sở hữu nhiều thành tích "khủng" ở độ tuổi rất trẻ. Những thành tích này đến với TS dễ dàng, hay như một câu hát của ban nhạc Bức Tường: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng / Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai"?
- Tại thời điểm tôi nộp hồ sơ theo đuổi nghiên cứu sinh tiến sĩ, việc được xét học thẳng lên chương trình PhD khi vừa hoàn thành chương trình cử nhân chưa phổ biến như bây giờ. Vì vậy, tôi cảm thấy may mắn vì đã nhận được học bổng toàn phần để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, con đường này không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.
Do được trường cho phép học thẳng lên chương trình tiến sĩ mà không qua chương trình thạc sĩ, hai tuần đầu tiên của tôi trong chương trình PhD là thời gian thử thách nhất. Sự chênh lệch kiến thức giữa chương trình cử nhân (kể cả các môn cao cấp) và chương trình tiến sĩ là khá lớn, đặc biệt ở các môn như toán kinh tế và kinh tế lượng. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực, sự ủng hộ của gia đình, và cả… may mắn nữa, tôi đã hoàn thành chương trình học coursework với kết quả xuất sắc.
Đồng thời, tôi cũng muốn mình phải viết được các bài báo nghiên cứu khoa học. Nên thay vì chỉ tập trung toàn lực vào việc học trên lớp, tôi vừa học kiến thức qua bài giảng, vừa tự học cách viết bài báo khoa học, mặc dù đó chưa phải là kỳ vọng cho các nghiên cứu sinh PhD năm 1 lúc bấy giờ.
Cuối cùng, khi đã có nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ như điểm các môn coursework tốt (cao nhất khóa), có 2 bài báo khoa học được chấp nhận đăng trên tạp chí uy tín, tôi đã được giáo sư hướng dẫn và hội đồng trường cho phép tốt nghiệp.
Tuy nhiên, đúng là thời điểm đó tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình sẽ đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đến như vậy.
Công việc nghiên cứu khoa học cần sự bền bỉ, chăm chỉ, sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thách thức cũng như thất bại một cách thường xuyên. Nhưng qua từng trải nghiệm, tôi ngày càng nhận thấy đây là lĩnh vực mà bản thân muốn gắn bó.
Dành cả tuổi thanh xuân theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, đến nay nhìn lại, Thái Hà đánh giá đâu là khó khăn và thách thức lớn nhất?
- Là một người đam mê công việc nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng, tôi không coi việc "dành cả tuổi thanh xuân cho khoa học" như anh nói là sự hy sinh.
Thách thức lớn nhất trong công việc nghiên cứu - mà các nhà nghiên cứu chúng tôi hay nói vui với nhau, rằng đây là "công cuộc học tập cả đời". Vì để duy trì chất lượng các nghiên cứu của mình, chúng tôi phải luôn học hỏi sâu, nâng cao kỹ năng và chuyên môn; đồng thời đây cũng là công việc mà luôn đối mặt với thất bại và bị từ chối - khi nộp các sản phẩm nghiên cứu của mình cho các tạp chí học thuật uy tín quốc tế hay các quỹ tài trợ nghiên cứu để bình duyệt, xét chọn - nên cần duy trì sự đam mê, bền bỉ, kiên nhẫn để sẵn sàng vượt qua những thử thách này.
Ngoài ra, tôi cũng cần quản lý thời gian hợp lý để cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và cho cuộc sống cá nhân.
Nhà khoa học nào có ảnh hưởng nhất đến con đường nghiên cứu của TS Lê Thái Hà?
- Tôi học tập được nhiều điều từ nhiều nhà khoa học tài năng mà bản thân có cơ hội trao đổi, làm việc cùng. Tuy nhiên, tôi không có một hình mẫu nhà khoa học toàn diện để theo đuổi. Mỗi người là một cá thể, một cá tính đặc biệt, riêng biệt với những giá trị riêng và ở họ đều có những điểm cụ thể để tôi học hỏi.
Ví dụ, một thầy giáo khi xưa của tôi là giáo sư ở trường NTU nơi tôi theo học đã truyền cảm hứng cho tôi về sự sáng tạo trong cách tiếp cận vấn đề. Một giáo sư kinh tế lượng hàng đầu khác lại khiến tôi khâm phục về sự nhiệt huyết của ông, sẵn sàng đầu tư thời gian cho việc xây dựng website & blog để lan tỏa kiến thức hữu ích miễn phí cho các nhà nghiên cứu trẻ, trong đó có tôi.
Rồi nhiều trường hợp ưu tú của thế hệ trước được đi học tập, nghiên cứu ở các trường, viện uy tín của thế giới vẫn lựa chọn về Việt Nam để cống hiến, xây dựng sự nghiệp ở quê hương dẫu điều kiện còn khó khăn, thách thức - điều này cũng truyền cho tôi cảm hứng tích cực và nhận thức về trách nhiệm của mình - ở vai trò thế hệ tiếp nối - trong việc đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và đất nước.
Câu nói "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thường được dùng khi nói về người phụ nữ thành công. Với TS Lê Thái Hà thì sao?
- Tôi nhận thức rõ rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ và việc phân chia thời gian một cách hợp lý giữa công việc quản lý, nghiên cứu, học thuật mà tôi đam mê và trách nhiệm với gia đình, bản thân là cần thiết. Tôi ưu tiên công việc vào giờ làm, ngoại trừ những thời điểm đặc biệt cần tập trung cao độ cho công việc.
Sau đó, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch hay đơn giản là cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt trong nhà. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian cho bản thân, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tôi nghĩ rằng chỉ khi mình khỏe mạnh, mới có thể tái tạo nguồn năng lượng và tư duy sắc bén cho công việc.
Tôi rất thích câu nói của Benjamin Franklin - chính trị gia và cũng là nhà khoa học nổi tiếng: "Let all your things have their places; let each part of your business have its time." (tạm dịch: Hãy để mọi thứ của bạn vào đúng vị trí; hãy thu xếp mỗi phần công việc của bạn vào một khoảng thời gian riêng biệt). Tôi tin rằng, mặc dù thời gian có hạn và có rất nhiều việc cần quan tâm trong cuộc sống, nhưng nếu biết sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc hợp lý, chúng ta có thể làm nhiều việc mà vẫn duy trì được cuộc sống cân bằng.
Nhiều bạn đọc sẽ tò mò là một nhà khoa học thì có những sở thích giống như các bạn đồng trang lứa không, ví dụ trà sữa, mua sắm… Thái Hà cân bằng giữa công việc và cuộc sống như thế nào?
- Thật khó để nhận xét về các nhà khoa học khác vì chúng tôi thường trao đổi nhiều về chuyên môn hơn là các vấn đề cuộc sống cá nhân. Ở các cuộc họp trong các hội nghị, hội thảo hay các tổ chức tôi làm việc, tôi để ý thấy các nhà khoa học hay uống cà phê hoặc trà.
Đối với bản thân tôi, vì không uống được đồ có cồn hay cà phê nên sở thích đồ uống của tôi là nước hoa quả tươi và trà sữa. Tôi thấy uống trà sữa rất ngon và mang lại cảm giác thư giãn rất nhanh. Trong môi trường làm việc hiện tại của tôi có nhiều các bạn đồng nghiệp trẻ cũng đam mê đồ uống này nên việc uống trà sữa cũng giúp tôi "hòa mình" cùng các bạn, mang lại bầu không khí vui vẻ cho cả team sau những giờ làm việc tập trung cao độ. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu thức uống này không tốt lắm cho sức khỏe nên cũng chỉ uống ở mức vừa phải thôi.
Ngoài ra, tôi cũng thích mua sắm. Nhưng có lẽ vì là "dân kinh tế" nên tôi cũng rất ít khi quá tay trong việc chi tiêu mà thường ưu tiên tài chính cho các kế hoạch đầu tư lâu dài hơn. Vì vậy mà tôi chưa từng bị gia đình hay anh xã than phiền vì mua sắm quá độ đâu.
Thái Hà tự nhận xét như thế nào về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân?
- Tôi nghĩ điểm mạnh của tôi là được ông bà, bố mẹ quan tâm giáo dục từ nhỏ những đức tính như tự lập, kỷ luật, bền bỉ. Đây là những yêu cầu không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học cũng như công việc của tôi hiện tại.
Còn về điểm yếu, tôi nghĩ những người làm nghiên cứu có chung một điểm yếu, đó là tính cầu toàn trong công việc. Dòng tư duy về công việc không chỉ đến với mình khi làm việc mà cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Vì vậy tôi vừa phải nỗ lực trong công việc nhưng cũng phải nỗ lực để cân bằng cuộc sống.
Thái Hà đến với quỹ VinFuture như thế nào?
- Tôi đã từng bén duyên với Vingroup trước năm 2021 nhưng tại thời điểm đó, tôi chưa muốn rời xa con đường học thuật và cuộc sống đang rất tốt ở TPHCM. Đến lần gần nhất là lúc Quỹ VinFuture đã đi vào hoạt động được 1 năm, giai đoạn này thế giới cũng trải qua 2 năm đại dịch và suy nghĩ của tôi cũng thay đổi nhiều hơn. Tôi cảm thấy rằng mình đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận các thử thách mới. Sau cuộc gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết từ Nhà sáng lập Quỹ, tôi nhận ra rằng đây là thời điểm mình đã sẵn sàng cho một sự "thay đổi" lớn trong sự nghiệp của mình.
Quyết định thay đổi hướng đi trong sự nghiệp của tôi đến từ sự trân trọng tầm nhìn của Nhà sáng lập và sứ mệnh tốt đẹp của Quỹ - một tổ chức tôn vinh và thúc đẩy những phát minh khoa học có ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại. Tôi có niềm tin rằng, trong tương lai, khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.
Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân. Mặc dù thời điểm tôi mới gia nhập, Quỹ đã đi vào hoạt động được 1 năm, không phải là người đặt những viên gạch đầu tiên; nhưng gần 2 năm qua, tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực hàng ngày để chuẩn hóa và xây dựng thêm nhiều hoạt động vì Quỹ còn quá mới. Quá trình đặt những viên gạch tiếp theo này nhiều thách thức nhưng cũng rất thú vị vì đây là cơ hội để tôi trưởng thành hơn và học hỏi thêm nhiều điều mới.
Công việc của một nhà điều hành quỹ tôn vinh và khuyến khích nghiên cứu khoa học có gì giống và khác với một người trực tiếp làm công tác nghiên cứu?
- Trong vai trò là Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture, tôi có cơ hội được đến nhiều viện, trường, trao đổi với các lãnh đạo, các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực để tìm hiểu được rõ thực trạng công tác nghiên cứu khoa học ở những tổ chức này. Có rất nhiều những nỗ lực của họ khiến tôi khâm phục. Nhưng cũng còn nhiều những khó khăn, những rào cản mà những nhà nghiên cứu cần vượt qua để có thể chinh phục được mục tiêu trong khoa học, đạt được những thành quả như kỳ vọng.
Hiểu được những nguyện vọng và những khó khăn này của những nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chúng tôi mong muốn, trong khả năng của mình, hỗ trợ kết nối, thúc đẩy cộng đồng khoa học phát triển, thông qua việc tạo ra một môi trường hỗ trợ nghiên cứu, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.
Ngoài ra, một trong những hoạt động thường niên quan trọng của Quỹ là Giải thưởng VinFuture. Đánh giá các đề cử cho các hạng mục của Giải thưởng VinFuture là công việc độc lập của hai Hội đồng Giải thưởng, gồm các giáo sư và chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình "cầm cân nảy mực" của giải thưởng, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã cùng đồng đội của mình thiết lập và tổ chức các hoạt động của Quỹ một cách chuyên nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, góp phần tôn vinh, lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Quỹ VinFuture đã qua năm thứ 3, xã hội đã hiểu hơn về sứ mệnh và tầm nhìn của Quỹ. Nhưng vẫn còn những thắc mắc vì sao chúng ta là người Việt, không tập trung đầu tư cho các nghiên cứu trong nước mà hướng đến giải thưởng toàn cầu. Thái Hà trả lời như thế nào đối với thắc mắc này?
- Mỗi tổ chức có một sứ mệnh riêng. Hai Nhà sáng lập của Quỹ VinFuture đã thành lập Quỹ VinIF để tập trung hỗ trợ, đầu tư cho các nghiên cứu khoa học trong nước.
Đối với Quỹ VinFuture, việc chọn hướng tới giải thưởng toàn cầu không chỉ để thúc đẩy sự tiến bộ khoa học trên phạm vi quốc gia mà còn để đóng góp vào cộng đồng khoa học toàn cầu. Mặc dù là một tổ chức có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng Quỹ VinFuture không giới hạn bởi ranh giới địa lý, mà hướng tới mục tiêu cao cả hơn là thúc đẩy sự tiến bộ khoa học toàn cầu.
Việc tập trung vào giải thưởng toàn cầu giúp Quỹ VinFuture thu hút sự quan tâm và tham gia từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, không chỉ mang lại cơ hội và nguồn lực cho các nhà khoa học Việt Nam, mà còn tạo ra một môi trường giao lưu và hợp tác quốc tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển và chia sẻ kiến thức khoa học toàn cầu.
Quỹ VinFuture luôn hỗ trợ và khuyến khích các nghiên cứu, các dự án của các nhà khoa học Việt Nam thông qua các chương trình và hoạt động kết nối cụ thể hàng năm. Tất cả những hoạt động này đều hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đón nhận thông tin và hoạt động của quỹ VinFuture như thế nào?
- Những ngày đầu Quỹ thành lập, việc có một giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu "triệu đô" xuất phát từ một quốc gia đang phát triển còn mang đến nhiều câu hỏi, sự bất ngờ, thậm chí là… nghi ngại nhất định. Tuy nhiên trải qua 3 mùa giải, với những minh chứng về sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình xét chọn, đánh giá đề cử cũng như các hoạt động để tôn vinh, lan tỏa và thúc đẩy khoa học công nghệ phụng sự nhân loại, chúng tôi ngày càng nhận được sự công nhận và ủng hộ lớn từ cộng đồng các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Việc hai chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên (TS Katalin Kariko và GS Drew Weissman) tiếp tục đoạt giải Nobel Y học năm 2023 là một niềm tự hào lớn.
Hay vừa mới đây, 3 nhà khoa học đạt Giải Đặc biệt VinFuture mùa 3 (GS Daniel Joshua Drucker (Canada), GS Joel Francis Habener và PGS Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ) đã được bình chọn vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024 của Tạp chí Time (Hoa Kỳ).
Những sự kiện này chứng minh VinFuture đã chọn đúng mục tiêu khi vinh danh các nhà khoa học với thành tựu đột phá, ảnh hưởng tới hàng triệu người. Bởi vì với GS Kariko và TS Weissman, VinFuture đã ghi nhận công trình của họ từ năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang cam go và khi thế giới còn chưa đánh giá được toàn diện đóng góp mang tính thời đại của nghiên cứu này.
Hay với PGS Svetlana, sự vinh danh của tạp chí Time dành cho PGS. Svetlana càng củng cố tầm nhìn và tiêu chí đánh giá toàn diện của Giải thưởng VinFuture, bởi vai trò tiên phong của bà trong quá trình phát triển loại thuốc này hiếm khi được công nhận tại những giải thưởng quốc tế lớn về y sinh, cho đến khi được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture năm 2023.
Một điều đặc biệt nữa là ở mùa giải VinFuture 2023 vừa rồi, Việt Nam lần đầu tiên đã có nhà khoa học được vinh danh. Đó là GS Võ Tòng Xuân. Cùng với GS Gurdev Singh Khush - nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Xuân đã trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh" trong lễ trao giải diễn ra tháng 12 năm ngoái tại Hà Nội. Điều này đã truyền cảm hứng tích cực đến các nhà khoa học ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam.
Nhìn chung, ngày càng nhiều các nhà khoa học uy tín hàng đầu được công nhận bởi các giải thưởng danh giá của thế giới bày tỏ sự ủng hộ lớn, chia sẻ niềm vinh dự khi đồng hành cùng Quỹ và Giải thưởng VinFuture. Và rất nhiều trong số đó còn chủ động tìm đến Quỹ với các mục đích kết nối đến các nhà khoa học của Việt Nam; và ở chiều ngược lại cũng vậy. Chúng tôi rất kỳ vọng rằng với những tiến triển này, vai trò cầu nối giữa khoa học Việt Nam với thế giới của VinFuture sẽ càng phát huy mạnh mẽ hơn nữa để mang đến nhiều hơn những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Thái Hà có thể "bật mí" những định hướng của quỹ VinFuture trong thời gian tới?
- Mặc dù sẽ luôn có những điều chỉnh và cải tiến, nhưng triết lý cốt lõi của VinFuture vẫn được giữ vững và phát huy. VinFuture thúc đẩy các nghiên cứu, phát minh có ứng dụng thực tiễn để phục vụ con người và vì con người. Khoa học và công nghệ đang và sẽ phát triển mạnh mẽ và lan tỏa trên toàn cầu, kết nối nhân loại vì sự phát triển bền vững của thế giới.
Năm 2024, Quỹ VinFuture dự kiến sẽ phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam để tổ chức các sự kiện InnovaConnect. Đây là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture, gồm một chuỗi các hoạt động giao lưu học thuật và trao đổi chuyên môn diễn ra giữa những nhà khoa học uy tín thế giới với các trường, viện hàng đầu của Việt Nam. Sự kiện InnovaConnect đầu tiên vừa diễn ra từ ngày 15 - 17/4 tại Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung vào lĩnh vực bán dẫn đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, VinFuture sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hoạt động kết nối, hỗ trợ việc liên kết giữa các trường, viện ở Việt Nam với các nhà khoa học uy tín trên toàn cầu, nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích cho cộng đồng. Chúng tôi cam kết nỗ lực trong việc xây dựng cầu nối giữa các bên, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành khoa học và công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn TS Lê Thái Hà!