Giữ 'viên ngọc quý' Sơn Trà trước làn sóng du lịch
Du lịch online - Ngày đăng : 15:49, 12/05/2024
Nằm ở trung tâm du lịch miền Trung, du khách có thể tận hưởng sự trong lành, hòa mình vào thiên nhiên, khám phá động thực vật đặc trưng hiếm có.
Để gìn giữ được “lá phổi xanh” của Đà Nẵng, các đơn vị chức năng không chỉ nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn kết nối để người dân, du khách chung tay.
Tiền Phong có cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề này với ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.
- Thưa ông, bán đảo Sơn Trà là nơi mà du khách dễ dàng nhất để tìm đến thiên nhiên, nhưng cũng là nơi dễ chịu tác động bởi bàn tay con người.Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã làm gì để bảo vệ môi trường cho bán đảo?
Thời gian qua, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) đã và đang triển khai đa dạng các hoạt động để bảo vệ môi trường tại bán đảo Sơn Trà như tuần tra chốt trực, nhắc nhở, hướng dẫn người dân và du khách thực hiện đúng quy định khi tham quan, vui chơi, giải trí tại đây. Chúng tôi thường xuyên phối hợp, tham gia cùng các đơn vị liên quan trong các kế hoạch ra quân theo chuyên đề của địa phương, kiểm lâm. Có thể thấy nhiều vấn đề mà du khách vô tình tác động đến thiên nhiên, động vật hoang dã như việc cho khỉ ăn. Chúng tôi đã liên tục khuyến cáo, đề xuất, kiến nghị các giải pháp liên quan đến tình trạng này.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Ảnh: T.P. |
Để tuyên truyền trực quan hơn, BQL lắp đặt hệ thống bảng biểu cấm xả rác, hạn chế việc treo phướn, băng rôn trên khu vực bán đảo Sơn Trà khi làm các hoạt động môi trường để không tạo thêm rác thải. Các nhận diện truyền thông luôn ưu tiên làm các chất liệu tái sử dụng được cho các hoạt động tiếp theo.
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các cơ quan báo, đài, Sở, ngành để tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đặc biệt thường xuyên tổ chức các hoạt động môi trường nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, đặc biệt là rác thải nhựa, các tác động gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại đây.
- Hoạt động bảo vệ môi trường nào được thực hiện thường xuyên, hiệu quả?
- Có rất nhiều hoạt động, trong đó chương trình "Clean up Son Tra – Vì một Sơn Trà Xanh) được chúng tôi tổ chức liên tục.
Đây là hoạt động ra quân thu gom rác, làm sạch môi trường thường niên do BQL chủ trì, phối hợp với các đơn vị, câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn thành phố tổ chức vào các tháng cao điểm mùa du lịch. Chương trình đầu tiên được thực hiện từ năm 2011 với số lượng tình nguyện viên khiêm tốn khoảng 50 bạn, qua thời gian tổ chức thực hiện, chương trình đã thu hút đông đảo các tình nguyện viên tham gia với mong muốn chung tay làm sạch, giữ gìn màu xanh cho bán đảo Sơn Trà.
Trong các đợt ra quân dọn vệ sinh tại bán đảo Sơn Trà, BQL sẽ mở link đăng ký tham gia công khai để các cá nhân, tổ chức, đơn vị liên hệ trực tiếp với BQL để đăng ký số lượng thành viên tham gia thông qua số hotline, fanpage.
Một góc bán đảo Sơn Trà ngát xanh nhìn từ trên cao. |
- Chương trình này có thu hút sự chung tay của du khách?
Tất nhiên là có. Những đợt dọn vệ sinh tại bán đảo Sơn Trà luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, du khách, các đơn vị… Số lượng đăng ký tham gia chương trình thường đạt đến 300 – 800 tình nguyện viên chỉ sau 3 – 7 ngày phát động. Tình nguyện viên tham gia sẽ được chia thành các nhóm, mỗi nhóm sẽ có trưởng nhóm chịu trách nhiệm điều hành, đảm bảo an toàn cho các thành viên. Mỗi nhóm tham gia sẽ được phát bao đựng rác, bao tay và kẹp gắp rác để tiến hành thu gom rác. Mỗi đợt thu gom thu về trên dưới 1.000kg rác thải.
Bên cạnh đó, BQL còn tổ chức trồng cây tại bán đảo, với mong muốn bán đảo Sơn Trà sẽ xanh, sạch, đẹp hơn đồng thời lan tỏa thông điệp xây dựng hình ảnh “điểm đến du lịch Xanh” cho cộng đồng.
- Càng quý hiếm càng mong manh, dễ bị tác động. BQL làm cách nào để cân bằng được giữa việc hút khách và bảo vệ môi trường?
Phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà luôn đi theo định hướng bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái.
Để hài hòa giữa du lịch và bảo tồn tài nguyên tự nhiên cần tuân theo quy luật tự nhiên. Ưu tiên xây dựng các khu vực bảo tồn các giống cây bản địa của Sơn Trà, nhân giống các loại hoa, cây thuốc vừa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá vừa bảo tồn được các loài thực vật đặc hữu. Tổ chức các chương trình giáo dục môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn voọc chà vá chân nâu, hệ thống cây cổ thụ và các loại sinh vật cảnh trong khu vực. Hình thành trung tâm sinh vật và giáo dục cộng đồng giới thiệu các mô hình về voọc, khỉ, các tiêu bản cây khô hoặc cây mẫu để tạo thành khu tìm hiểu sinh thái cho trẻ em cũng như phục vụ cho công tác nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh đồng thời hỗ trợ xây dựng tour du lịch sinh thái chuyên đề.
Rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng chung tay trồng thêm cây cho bán đảo Sơn Trà. |
Trong quá trình đón khách, cần xây dựng các chương trình tour tìm hiểu về hệ sinh thái, các loài động thực vật đặc trưng tại bán đảo Sơn Trà như: ngắm voọc, ngắm thú đêm, ngắm bầu trời đêm, tìm hiểu môi trường sống của các loại côn trùng. Xây dựng các tour du lịch có trách nhiệm, tour du lịch chuyên đề, trekking xuyên rừng…Đồng thời xây dựng các điểm nghỉ chân ẩn mình vào thiên nhiên, tạo ra cảnh quan đẹp và đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.
- Tỷ phú Bill Gates từng lưu trú và thưởng ngoạn thiên nhiên trên Sơn Trà, BQL có dự định đề xuất bổ sung, xây dựng thêm các điểm tham quan trên bán đảo để khai thác du lịch từ sức hút này?
Quan điểm của BQL cũng như Sở Du lịch là phát triển du lịch trên cơ sở bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các công trình cố định tác động xấu đến tài nguyên và môi trường. Vì vậy, các tuyến, điểm dừng chân tại bán đảo Sơn Trà được hình thành và phát triển trên cơ sở tiêu chí đó. Việc nâng cấp và sửa sang cần đảm bảo phù hợp cảnh quan, hài hòa với thiên nhiên, hướng tới phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, không phát triển thêm các loại hình dịch vụ khác, không tác động tới khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả nhằm hướng đến việc xây dựng hình ảnh “điểm đến du lịch Xanh” cho cộng đồng.
- Xin cám ơn ông!