Bão mặt trời đe dọa trái đất
Khoa học - Ngày đăng : 09:03, 12/05/2024
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo thời tiết không gian Mỹ (SWPC), ít nhất 5 luồng plasma, thường được biết tới với tên gọi "phun trào nhật hoa" (CME), đang hướng về trái đất và nhiều khả năng gây bão địa từ dữ dội khi tiếp cận hành tinh của chúng ta.
CME là sự phóng ra đáng kể từ trường và khối lượng plasma đi kèm từ mặt trời vào thái dương quyển.
Các CME này phun trào từ một vết đen khổng lồ trên mặt trời có tên là AR3664 - nằm ở bên phải đĩa mặt trời và có chiều rộng gấp 16 lần đường kính trái đất - từ ngày 8-5, dự kiến tới trái đất vào cuối ngày 10-5 và kéo dài ảnh hưởng đến hết ngày 12-5 (giờ Mỹ).
Cảnh báo của SWPC xếp cơn bão lần này ở cấp G5, cao nhất trong hệ thống cảnh báo 5 cấp. "Đây là một sự kiện bất thường" - Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) nhấn mạnh.
Bão mặt trời làm nhiễu loạn từ quyển trái đất, có thể ảnh hưởng tới các hạ tầng ở quỹ đạo trái đất tầm thấp và trên bề mặt trái đất, bao gồm các hệ thống viễn thông, lưới điện, định vị GPS và hoạt động vệ tinh..., theo tờ Daily Mail.
Trong khi đó, kênh CBS News trích thông báo của NOAA cho rằng "có thể xảy ra các sự cố điện diện rộng. Một số lưới điện có thể sụp đổ hoàn toàn hoặc mất điện. Các máy biến thế có nguy cơ hư hỏng".
Hãng tin Bloomberg mô tả con người được từ trường trái đất bảo vệ khi bão mặt trời trút xuống, song lưới điện có thể bị ngắt, internet mất sóng ở một số khu vực, tàu vũ trụ bị hất khỏi hành trình...
Bão mặt trời còn có khả năng gây thiệt hại tài chính khổng lồ trong trường hợp làm hư hại hệ thống vệ tinh. Những cơn bão cực mạnh thậm chí tạo ra các dòng điện bên trong lưới điện và vô hiệu hóa các nguồn cung cấp năng lượng, khiến hoạt động của doanh nghiệp lẫn hộ gia đình bị gián đoạn.
Lần gần đây nhất trái đất trúng bão mặt trời G5 là vào tháng 10-2003, khi đó Thụy Điển bị mất điện diện rộng, còn Nam Phi bị hư hại nhiều máy biến thế.
Chưa hết, việc từ trường của trái đất bị ảnh hưởng sẽ đe dọa hoạt động hàng không. Bloomberg đưa tin nhiều hãng hàng không dự định thay đổi đường bay của các chuyến bay qua vùng cực giữa châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ để tránh cho hành khách và phi hành đoàn bị phơi nhiễm bức xạ.
Sức mạnh thật sự của cơn bão lần này sẽ lộ rõ vào khoảng 60-90 phút trước khi nó "đánh trúng" trái đất, nhờ các vệ tinh đo được mức năng lượng bùng nổ. Cơ quan Khí tượng Anh dự báo nhiều khu vực ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ có thể thấy được cực quang vào ban đêm nếu bầu trời đủ trong.
Theo CBS News, mỗi chu kỳ mặt trời - thường kéo dài khoảng 11 năm - có bình quân 100 cơn bão địa từ dữ dội. Trong chu kỳ hiện nay (bắt đầu từ tháng 12-2019), con người mới quan sát được ba cơn bão như vậy, cơn gần nhất là vào ngày 23-3 vừa qua.