Vải thiều đơm trái ngọt trên vùng đất Ea Kar
Kinh doanh - Ngày đăng : 21:09, 11/05/2024
Anh Hồ Sỹ Trung ở thôn 10, xã Ea Sa, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk là hộ tiên phong đưa cây vài thiều giống U Hồng từ huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang vào huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk trồng từ hơn 10 năm trước. Hiện anh có gần 10 ha vải đang giai đoạn kinh doanh. Anh chia sẻ, vụ vải năm nay năng suất giảm khoảng 30 – 40% so với vụ trước, tuy nhiên, giá bán cao nên dù mất mùa nhưng vẫn lãi 300 triệu đồng mỗi ha.
Anh Hồ Sỹ Trung nói: “Năm nay sản lượng vườn nhà tôi đạt hơn 30 tấn vải, có thể nói năm nay mất mùa, so với năm ngoái thì chỉ đạt 60 - 70% sản lượng. Do năm nay thời tiết lạnh bị ngắt quãng, nóng kéo dài, không thuận lợi cho cây vải phát triển nên mất mùa.”
Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình huyện Ea Kar cho biết, hiện Hợp tác xã có 16 hộ xã viên, tổng diện tích vải kinh doanh 100 ha. Sản lượng mỗi vụ ước đạt từ 1.400 – 1.600 tấn. Hợp tác xã cũng liên kết bao tiêu sản phẩm cho khoảng 200 ha của 60 hộ dân ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng… Theo ông Bình, quả vải những năm gần đây tiêu thụ thuận lợi, các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản… khá ưa chuộng sản phẩm trái cây của Việt Nam, trong đó có quả vải. Vụ vải ở Ea Kar thường bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 4 hàng năm, sớm hơn thời điểm thu hoạch ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khoảng 1,5 tháng, đây là lợi thế để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.
Ông Bình cho biết: “Mùa vải năm 2024 này đối với xã Ea Sa và Hợp tác xã Thanh Bình thì thuận lợi hơn vì có nhiều thương lái mua xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện tại có khoảng 10 doanh nghiệp đến tận nơi thu mua vải, đóng continer lạnh xuất khẩu. Giá thu mua tại vườn bình quân khoảng 55.000 đồng/kg.”
Huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 1.023 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih, Xuân Phú, Cư Huê, Ea Đar. Giống vải được trồng ở đây chủ yếu là U Hồng, U Thâm và U Trứng, được mua từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Xã Ea Sar hiện có diện tích vải lớn nhất huyện với trên 400 ha. Những năm gần đây, lợi nhuận từ cây vải mang lại tương đối lớn, người trồng từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, chất lượng quả vải. Hiện, hơn 80% diện tích vải ở Ea Kar được trồng chăm sóc theo hướng VietGap, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vòi phun đóng mở tự động, tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với khô hạn.
Ông Hà Trung Tướng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho biết, cây vải cùng với cây nhãn lồng rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng đất sỏi đá pha cát ở huyện Ea Kar. Trước đây, trên các rẫy nương này, bà con thường trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, đậu … mỗi ha chỉ thu được từ 25 – 30 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển đổi sang trồng nhãn lồng, vải thiều, mỗi ha có thể cho thu gấp hơn 10 lần, tương đương 300 - 400 triệu đồng/năm. Các nông hộ trồng vải ở xã Ea Sar đã giàu lên. Xã đang tích cực triển khai hỗ trợ bà con phát triển cây vải theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu vải cho địa phương.
Ông Hà Trung Tướng nói: “UBND xã đã tổ chức Hội nghị xúc tiến về cây vải, mời các phòng, ban chuyên môn của huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tư vấn, hay các tiểu thương thu mua để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Chúng tôi hướng dẫn bà con trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, hướng cây vải là sản phẩm được công nhận OCOP cho địa phương, và quảng bá sản phẩm vải Ea Sar ra thị trường trong và ngoài nước.”
Từ những nương rẫy đất sỏi đá pha cát cằn cỗi chỉ trồng được những loại cây ngắn ngày cho thu nhập thấp trước đây, hơn chục năm qua, các nông hộ ở xã Ea Sar và các xã lân cận của huyện Ea Kar đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vải thiều cho thu nhập cao và ổn định. Cây vải thiều đã và đang khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực ở huyện Ea Kar.