Vợ tự tay bóp chết hôn nhân vì mắc thói quen xấu
Gia đình - Ngày đăng : 07:13, 10/05/2024
Nhiều người sốc khi bị bạn đời đòi chia tay mà không hiểu vì sao. Các chuyên gia về hôn nhân cho biết có một số thói quen nhất định của bạn có thể khiến chồng muốn tránh xa:
Nghiện xem điện thoại
Nếu bạn dành hầu hết thời gian rảnh cho điện thoại thông minh, có thể bạn đã nghiện và điều đó có hại cho mối quan hệ. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Arizona (Mỹ).
Hãy làm việc khác, chẳng hạn như đọc sách hay lên kế hoạch cho cuộc sống. Có thể sử dụng một số ứng dụng đặc biệt để kiểm soát thời gian lướt mạng.
Lúc nào cũng cãi lý
Cuộc sống không phải một phép toán hay theo công thức cố định. Lúc nào cũng muốn cãi lý, rạch ròi đúng sai không chỉ khiến bạn đánh mất tình cảm mà còn ngầm nói với chồng rằng cảm xúc của họ chẳng đáng bận tâm.
Liên tục cằn nhằn
Chúng ta đều biết những lời phàn nàn chẳng mang lại hiệu quả gì nhưng nhiều người vẫn không bỏ được thói xấu này. Kêu ca, nói to và dai còn khiến bạn đời cảm thấy bất mãn và dễ gây đổ vỡ hôn nhân.
Cấm vận sex
Chuyên gia tình yêu Ar'nie Krogh giải thích: Việc dùng sex như một vũ khí bằng cách cấm vận mỗi lần cãi cọ sẽ khiến "chuyện ấy" như một thứ trách nhiệm chứ không phải niềm vui đáng tận hưởng.
Không ưu tiên bạn đời
Nếu lịch mỗi ngày của bạn quá kín và chẳng bao gồm hoạt động nào chung với bạn đời, hãy xem lại thứ tự ưu tiên.
Bạn cũng có thể dùng phương pháp 2/2/2 cho mối quan hệ: Hẹn hò với bạn đời một lần mỗi 2 tuần, đi đâu đó vào cuối tuần 2 tháng một lần và cứ hai năm lại đi nghỉ với nhau.
Lôi kéo thêm đồng minh khi tranh cãi
Chính xác là phụ nữ hay làm thế, để thắng được các cuộc tranh cãi, họ tìm cách lôi kéo một ai đó ngoài cuộc nhưng lại có thể ảnh hưởng tới ý kiến của đối phương. Người đó có thể là bạn bè anh ta hay là bố mẹ của anh ta. Điều đó là hoàn toàn vô ích.
Cái kiểu: "Nếu anh không đồng ý thì chúng ta hãy hỏi ý kiến… thử xem" sẽ luôn luôn làm cho anh ấy bực mình. Thông thường đàn ông không thích chia sẻ những vấn đề riêng của vợ chồng với ai, vì đó là việc riêng của hai chúng ta và sự chia sẻ với người khác của bạn là một hành động coi thường anh ta nặng nề.
Làm gì? Hãy tranh cãi một chọi một. Sự can thiệp duy nhất mà anh ấy có thể chấp nhận được trong mọi cuộc tranh cãi chỉ có thể là những thông tin hoàn toàn độc lập. Thí dụ như nếu bạn và anh ấy không biết nên đi đâu trong kỳ nghỉ, Nha Trang hay Đà Lạt thì anh ấy muốn tìm hiểu trên Internet chứ không phải là nghe người này hay người kia khuyên bảo.
Trách móc, chỉ trích và dán nhãn
Những điều này chỉ thể hiện sự coi thường bạn dành cho người mình đã thề yêu thương và chung sống suốt đời. Thái độ đó không khiến họ cải thiện các nhược điểm hay muốn cố gắng cùng bạn vun đắp hạnh phúc mà chỉ làm khoảng cách giữa hai người ngày càng xa.
Nổi giận vì những chuyện vặt
Đừng cố biến đổi bạn đời. Một số đặc điểm có vẻ kỳ lạ của họ chẳng phải là thứ bạn từng yêu sao? Tốt hơn là để họ tự thấy hậu quả từ các hành động của mình. Nếu chồng bạn quẳng bít tất lung tung, hãy bảo anh ấy rằng bạn chỉ giặt những thứ đã để sẵn trong giỏ đồ bẩn. Khi anh ấy không tìm thấy chiếc tất sạch nào, bạn không cần phải nói gì.
Tự quyết định việc lớn
Đôi khi, bạn có thể một mình chọn màu sơn phòng tắm và chẳng sao cả. Nhưng nếu bạn tự ra quyết định lớn về tiền bạc, thời gian, con cái và cuộc sống gia đình mình mà không hề nghĩ đến bạn đời thì mọi chuyện lại khác. Điều này có thể khiến sự gắn kết gia đình bị rạn vỡ và hủy hoại.
Theo GĐ&XH