Thủ tướng: 'Đất có vị trí đẹp phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh'
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:52, 09/05/2024
Định hướng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý khi phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, sáng 9/5.
Hà Nội cần đẩy nhanh hệ thống tàu điện, quy hoạch hai bên sông Hồng
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, du lịch.
Muốn phát triển vùng, ông Chính cho rằng vai trò Thủ đô Hà Nội là quan trọng nhất. Do đó, Hà Nội phải triển khai nhanh nhất hệ thống tàu điện metro để giải được bài toán vận chuyển hành khách; quan tâm cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hai bên sông Hồng; kết nối Hà Nội với phía Nam để giải quyết mạch máu giao thông vì các cửa ngõ thường xuyên bị ùn tắc.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá Quy hoạch vùng tạo ra khí thế cho vùng, nếu chỉ giới hạn phạm vi địa phương, nhiều sức mạnh của vùng sẽ bị hạn chế.
Ông Thiên cho rằng nếu hoàn thiện được tuyến hành lang ven biển, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển nhanh. Bên cạnh đó, vị chuyên gia gợi mở vùng Đồng bằng sông Hồng cần có hình mẫu phát triển quốc gia vượt trước, do đó cần thiết lập Khu thương mại tự do thế hệ mới ở Quảng Ninh, Hải Phòng để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới để tạo ra giá trị mới.
Định hướng này cũng nhằm tìm ra, thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và chỉ rõ những mâu thuẫn, hạn chế, để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.
Khái quát nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa.
Theo Thủ tướng, vùng có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.
12 từ khóa cho vùng Đồng bằng sông Hồng
Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai Quy hoạch và phát triển, liên kết vùng, là: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện quy hoạch vùng một cách thực chất, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong đó, ông lưu ý đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là tăng thu, tiết kiệm chi, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy vốn đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ gợi ý các địa phương xây dựng cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện quy hoạch… "Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân", Thủ tướng định hướng.
Nhấn mạnh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Thủ tướng dẫn chứng trong giải phóng mặt bằng cho các dự án, nếu chỉ còn một hộ dân chưa di dời, bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải tới gặp gỡ, đối thoại trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý II; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực (nhất là nhân lực bán dẫn), thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Mục tiêu quan trọng, theo người đứng đầu Chính phủ, là phải thu hút được những nhà đầu tư chiến lược.