'Thị Nở' Đức Lưu kể thời gầy còm của NSND Trà Giang, được Bùi Xuân Phái vẽ

Dòng chảy - Ngày đăng : 13:59, 09/05/2024

Ít ai biết rằng, "Thị Nở" Đức Lưu từng là "nàng thơ" của nhiều danh họa, trong đó có Bùi Xuân Phái. Bà cũng chính là người tuyển NSND Trà Giang vào trường Điện ảnh để học.

NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939 tại Ba Vì, Hà Nội. Bà nổi danh với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Nhắc đến vai diễn Thị Nở là người ta nói đến bà vì thế bà vui khi ra ngoài đường có người nhận ra mình và gọi "Thị Nở ơi!".

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Đức Lưu cho biết, sau khi vào trường Văn công của Tổng cục Chính trị, bà được cử sang trường Điện ảnh Việt Nam khóa I năm 1957 để học cùng với những diễn viên như: NSND Lâm Tới, NSND Trà Giang…

Sau đó bà về xưởng phim truyện (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) và chuyển sang Nhà hát Kịch Hà Nội làm việc cho tới khi nghỉ hưu.

Thị Nở Đức Lưu kể thời gầy còm của NSND Trà Giang, được Bùi Xuân Phái vẽ - 1

NSƯT Đức Lưu bên cạnh những bức tranh nhiều danh họa vẽ bà (Ảnh: Toàn Vũ).

NSƯT Đức Lưu cho biết, dù vào vai Thị Nở có tạo hình xấu xí với váy đụp, răng đen, mặt nhom nhem... nhưng thời thanh xuân, bà từng được nhiều danh họa nổi tiếng mời đến xưởng vẽ để làm nhân vật chính trong tranh của họ.

Bà kể: "Tôi được nhiều danh họa vẽ lắm. Thời đó, ai nổi tiếng thường được các họa sĩ chủ động liên hệ để vẽ tranh. Sau khi tôi làm phim Cô gái công trường, họa sĩ Trần Đông Lương đến trường Sân khấu - Điện ảnh xin vẽ tôi.

Nhà ông ấy ở Nguyễn Thái Học, trường học của tôi ở 36-38 Cao Bá Quát nên đi bộ sang nhà ông ấy rất gần. Ông Đông Lương vẽ trong buổi chiều là xong. Họa sĩ vẽ 2 bức, tôi lấy 1 bức, ông ấy giữ lại 1 bức".

Nữ nghệ sĩ cũng có cơ duyên làm việc với danh họa Bùi Xuân Phái. Hồi đó, nhà ông Phái ở gần Thuyền Quang, sau khi bà nổi tiếng thì ông Phái mời đến nhà để vẽ chân dung bà.

"Ông Phái cũng hay vẽ chân dung nên khi gặp, ông mời tôi về nhà làm mẫu. Khi mới xong 1 bức thì chồng tôi đến đón, ông Phái nói: "Ngồi đây chờ 1 tí nhé, tôi sẽ vẽ anh", và ông ấy vẽ chân dung chồng tôi. Bức tranh này đặc biệt ở chỗ, họa sĩ chỉ cần chấm 1 nét, đưa bút 1 lần không nhấc tay lên lần nào cũng ra chân dung chồng tôi.

Bức tranh vẽ tôi thì ông Phái giữ, sau này được một người nước ngoài mua. Còn bức chân dung của chồng tôi, ông cho hai vợ chồng giữ. Bức chân dung đang treo ở nhà tôi, tranh có chữ ký ông Phái hiện được trả rất cao nhưng tôi không bán", bà chia sẻ.

Nữ nghệ sĩ cho biết, năm 1959, bà tham gia phim Chung một dòng sông của 2 đạo diễn là Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam. Năm 1960, bà vào phim Cô gái công trường của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, sau 2 phim này, khán giả biết đến bà nhiều hơn.

"Nhưng sau khi đóng phim Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi nổi tiếng gấp 10 lần, được cả nước  biết đến, đi đâu cũng được khán giả nhận ra. Thời đó, nghệ sĩ ít, phim ảnh chưa có nhiều nên xuất hiện bất cứ đâu, chúng tôi được chào đón ghê lắm.

Có nơi mời hai chúng tôi tới nói chuyện nhưng ngày đó, chỉ đi nói chuyện thôi chứ không có thu nhập. Chúng tôi vẫn sống bằng đồng lương của nghệ sĩ do Hãng phim trả. Diễn viên ngày nay còn có sự kiện, có quảng cáo chứ ngày đó nghệ sĩ thuần lắm, chỉ biết làm nghệ thuật mà không đòi hỏi gì", bà bộc bạch.

Thời học ở trường Sân khấu - Điện ảnh, NSƯT Đức Lưu là cán bộ được cử đi học nên được về các địa phương để tuyển học sinh. Chính bà là người xuống Hải Phòng để tuyển NSND Trà Giang về Hà Nội học vì bà Trà Giang thời đó là học sinh miền Nam được cử ra Bắc học.

"Trà Giang ngày ấy suýt trượt vì người bé tí, gầy còm nhưng cũng rất thông minh và duyên dáng. Dù ít hơn tuổi, nhưng tôi và Trà Giang học cùng nhau. Sau đó, chúng tôi về Hãng phim truyện Việt Nam làm việc. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau", bà nói.

Thị Nở Đức Lưu kể thời gầy còm của NSND Trà Giang, được Bùi Xuân Phái vẽ - 2

Nghệ sĩ Đức Lưu xem lại bức ảnh bà chụp cùng NSƯT Mai Châu trong một lần hội ngộ (Ảnh: Toàn Vũ).

Chia sẻ về tình bạn của mình, nghệ sĩ Đức Lưu cho biết, bà chơi với NSƯT Mai Châu. Trong phim Cô gái công trường, bà Mai Châu được đạo diễn mời vào vai mẹ,  Đức Lưu vào vai con. Họ đã có quãng thời gian làm nghề vất vả nhưng nhiều thú vị.

Bà cho biết: "Thời đó, chúng tôi làm phim chân phương lắm, đoàn phim có mấy tháng quay ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) rất vất vả. Khi không quay phim, diễn viên còn phải bế con, nấu cơm cho chủ nhà. Những kỷ niệm này đến bây giờ tôi không quên được".

Ngoài Mai Châu, bà còn chơi với NSƯT Lê Mai, vì thời gian đó, Hãng phim cần diễn viên nên NSND Thanh Tú về Hãng làm phim Tiền tuyến gọi, bà được điều sang Nhà hát Kịch Hà Nội để đóng thay một số vai của Thanh Tú nên bà có thời gian làm việc với Lê Mai, hai nghệ sĩ thường đóng mẹ - con trên sân khấu kịch.

"Tôi nghĩ, ở tuổi nào thì cũng cần có bạn bè. Chúng tôi đã cao tuổi nên ít gặp nhau hơn nhưng tình cảm dành cho nhau vẫn chân thành như thời trẻ", bà khẳng định.

Ở tuổi 85, NSƯT Đức Lưu hạnh phúc vì các con trưởng thành, các cháu nội cũng rất giỏi giang. Hai con trai ở riêng nhưng mỗi khi rảnh hay cuối tuần là đến thăm mẹ. Bà ở một mình trong căn nhà ở Xã Đàn, bà có người giúp việc nên không vất vả gì.

Thị Nở Đức Lưu kể thời gầy còm của NSND Trà Giang, được Bùi Xuân Phái vẽ - 3

Ở tuổi 85, bà đang có cuộc sống an yên (Ảnh: Toàn Vũ).

"Tôi không phải lo kinh tế, các con không để mẹ thiếu thứ gì cả. Tôi có nhiều thời gian và dùng tiền lương, thu nhập của mình đi làm từ thiện, giúp các cháu nhỏ khó khăn ở vùng cao. Đây cũng là việc làm mà nhiều năm nay tôi gắn bó.

Cuộc sống của tôi đơn giản lắm: Sáng dậy từ 6h rồi ngồi thiền, sau đó ăn sáng và xem ti-vi. Chiều đi bộ ra hồ gần nhà. Ở tuổi 85 nhưng tôi vẫn tự học, học hàng ngày. Ngoài đạo đức, tôi muốn dạy các cháu, dù mình thế nào cũng chưa bằng ai, cần phải rèn luyện thêm để có cuộc sống tốt đẹp hơn", bà bộc bạch.

Lạc Thành