Ba Lan muốn EU xây dựng hệ thống phòng không chung
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:21, 09/05/2024
Theo Bloomberg, lời kêu gọi trên được Thủ tướng Donald Tusk đưa ra tại một cuộc họp của các chính trị gia và doanh nhân EU vừa được tổ chức tại thành phố Katowice ở miền Nam Ba Lan. Ông Tusk cho rằng, trong những năm tới, EU cần chú trọng bảo vệ biên giới châu Âu và tăng cường tiềm lực quốc phòng "đủ để răn đe các kẻ thù tiềm tàng". "Tăng chi tiêu và chi tiêu một cách phù hợp cho an ninh của châu Âu sẽ khiến chiến tranh tránh xa biên giới châu Âu trong một thời gian dài, có thể là vĩnh viễn", nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định.
Thủ tướng Donald Tusk phát biểu tại sự kiện ở thành phố Katowice, miền Nam Ba Lan. Ảnh: PAP |
Reuters dẫn lời Thủ tướng Tusk đề xuất một hệ thống phòng không chung phải trở thành một dự án của châu Âu; nhấn mạnh đây là một nỗ lực tài chính nhằm xây dựng một mái vòm bao trùm châu Âu. Theo ông, EU "có các sáng kiến và cuộc họp nhiều hơn so với các hành động thực tế để bảo vệ bầu trời châu Âu". Trong bài phát biểu, Thủ tướng Tusk cho biết, Ba Lan muốn tham gia Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI). Đây là sáng kiến do Đức khởi xướng từ năm 2022 với kỳ vọng sẽ làm gia tăng an toàn cho toàn bộ châu Âu.
Dưới sự dẫn dắt của Đức, ESSI nhằm mục đích tăng cường năng lực phòng không của châu Âu thông qua việc các quốc gia châu Âu mua sắm chung các hệ thống phòng không như Patriot của Mỹ, IRIS-T của Đức hay Arrow 3 của Israel. Đây được nhìn nhận là cách tiếp cận đa quốc gia và đa diện, cung cấp một phương thức linh hoạt để các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thay vì mỗi quốc gia phải chạy đua để xây dựng các hệ thống phòng không của riêng mình.
Trong khi đến nay đã có 21 nước tham gia ESSI, điều đáng quan tâm là Pháp-một đầu tàu của châu Âu-lại từ chối tham gia sáng kiến này với quan điểm cho rằng ESSI tạo sự lệ thuộc mới của khu vực vào các quốc gia và doanh nghiệp bên ngoài sản xuất những hệ thống phòng không. ESSI cũng từng bị chỉ trích là dự án của riêng Đức. PAP dẫn lời Thủ tướng Tusk nhấn mạnh ESSI nên trở thành "một dự án của châu Âu" bởi "châu Âu sẽ an toàn với điều kiện bầu trời châu Âu an toàn".
Thủ tướng Tusk đưa ra các đề xuất trên trong bối cảnh bản thân Ba Lan-một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-đang tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình thông qua việc chi 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm cho quốc phòng-mức chi cho quốc phòng cao nhất trong NATO (xét về tỷ lệ phần trăm). Ba Lan được đánh giá là thường lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề quốc phòng, an ninh của NATO và EU. Cùng với đó, thời gian qua tại EU nổ ra tranh cãi dai dẳng giữa hai luồng quan điểm trái ngược nhau với một bên ủng hộ khối có "sự tự chủ chiến lược" và một bên tin rằng hiện "không có phương án thay thế đáng tin cậy nào" đối với "chiếc ô an ninh" của NATO.
Bloomberg cho biết, tại cuộc họp ở Katowice, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ ủng hộ với các đề xuất của Thủ tướng Ba Lan. Theo bà Ursula von der Leyen, EU cần "tái xây dựng, làm mới và chuyển đổi" lực lượng quân đội của mình. Firstpost dẫn lời Chủ tịch EC nhấn mạnh, EU cần tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời chỉ định một quan chức chuyên trách về quốc phòng nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của khối.
HOÀNG VŨ