Điểm tin công nghệ 9/5: Năm 2023, người dân bị chiếm đoạt khoảng 10.000 tỷ đồng qua các chiêu lừa trên không gian mạng
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 09/05/2024
- Camera giám sát tại Việt Nam phải có chức năng kiểm soát mật khẩu an toàn
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Theo đó, camera giám sát phải có tính năng quản lý xác thực bao gồm phòng chống tấn công vét cạn và quản lý mật khẩu an toàn.
Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát được khuyến nghị áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.
Theo đó, các camera giám sát phải có tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho người sử dụng. Để đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, camera giám sát phải có tính năng quản lý xác thực bao gồm phòng chống tấn công vét cạn (hình thức tấn công mạng sử dụng mật khẩu, tên người dùng… để tự động kết hợp chúng với nhau cho tới khi chính xác) và quản lý mật khẩu an toàn.
Cụ thể, camera cần có chức năng quản trị hệ thống cho phép thay đổi thời gian khóa, số lần đăng nhập sai và khoảng thời gian đăng nhập sai liên tục; chỉ thông tin cho người sử dụng nội dung đăng nhập thành công hay thất bại mà không có nội dung khác làm cơ sở thực hiện tấn công vét cạn.
Đối với mỗi thiết bị camera phải có chức năng kiểm soát mật khẩu an toàn và khác nhau, đồng thời có chức năng xác thực nhiều loại đối tượng khác nhau. Giao diện của thiết bị camera cho phép kết nối, quản trị thiết bị camera thông qua kết nối mạng.
- Từ 1/7, thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt cho thẻ căn cước
Ngày 8/5, tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an phối hợp Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY tổ chức triển lãm xác thực định danh sinh trắc học kết hợp tuyên truyền sinh trắc học mống mắt trong quá trình thu nhận căn cước, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thu nhận sinh trắc học mống mắt.
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới. Một nội dung đáng chú ý của Luật Căn cước đó là việc thu thập thông tin sinh trắc học như ADN, mống mắt, giọng nói.
Về thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước. Theo đó, “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”.
Như vậy, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
Như vậy, từ 1/7, quy trình thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.
- TikTok kiện chính phủ Mỹ
TikTok cho rằng luật của chính phủ Mỹ buộc ByteDance phải bán ứng dụng nếu không sẽ bị cấm hoạt động là vi phạm Tu chính án thứ nhất.
TikTok đang kiện chính phủ Mỹ về luật mới buộc ứng dụng video ngắn này phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.
Trong hồ sơ tòa án được đệ trình hôm thứ Ba, TikTok cho biết Quốc hội Mỹ đã “thực hiện bước chưa từng có" đồng thời gọi hành động này là “vi hiến”.
“Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành luật cấm vĩnh viễn một nền tảng có tên tuổi trên toàn quốc và cấm mọi người Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến duy nhất với hơn 1 tỉ người trên toàn thế giới", trích nội dung đơn kiện TikTok gửi tòa án.
Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ký luật cho ByteDance 9 tháng để thoái vốn TikTok hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Đơn khiếu nại cáo buộc chính phủ Mỹ vẫn chưa cung cấp bằng chứng về việc chính phủ Trung Quốc lạm dụng TikTok.
- Năm 2023, người dân bị chiếm đoạt khoảng 10.000 tỷ đồng qua các chiêu lừa trên không gian mạng
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an
Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xoá dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.
Dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
- Một công ty sở hữu nhiều Bitcoin nhất thế giới, giá trị hơn 14 tỷ USD
MicroStrategy, công ty đang nắm giữ hơn 1% tổng số Bitcoin đang lưu hành trên toàn cầu…
Công ty phần mềm MicroStrategy của Mỹ hiện sở hữu nhiều tiền điện tử hơn bất kỳ quốc gia nào sau khi nâng số lượng Bitcoin nắm giữ lên hơn 14 tỷ USD.
MicroStrategy là công ty hoạt động trong mảng trí tuệ doanh nghiệp (BI), phần mềm di động và các dịch vụ đám mây, được thành lập vào năm 1989. Trong những năm gần đây, công ty chuyển sang hướng đầu tư tích lũy Bitcoin theo sự lãnh đạo của Michael Saylor.
Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, MicroStrategy thông báo rằng họ đã mua 25.250 Bitcoin trong bốn tháng đầu năm 2024, nâng tổng số lượng mà họ sở hữu lên 214.400 BTC – tương đương với 1% tổng số Bitcoin đang tồn tại.
Với số lượng Bitcoin nắm giữ này, MicroStrategy đã trở thành công ty nắm giữ Bitcoin lớn nhất trên thế giới, gấp hơn 10 lần so với công ty nắm giữ Bitcoin lớn thứ 2 là Marathon Digital Holdings. Giao dịch mua mới nhất của MicroStrategy có nghĩa là họ cũng sở hữu nhiều Bitcoin hơn Mỹ, nơi có 207.189 BTC với trị giá 13,5 tỷ USD.