Có nên dùng thuốc chống đông máu sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca?
Tin Y tế - Ngày đăng : 07:30, 08/05/2024
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng hơn 20 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên. Đến nay, hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca cách đây 2 - 3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn thoả. Chính bởi vậy, việc tự ý làm các xét nghiệm đông máu là không cần thiết.
Ở những người khỏe mạnh, tỉ lệ bị đông máu sau khi tiêm vaccine rất thấp. Nguy cơ này có thể cao hơn ở những người có tiền sử về rối loạn đông máu. Những trường hợp này đều được các bác sĩ khám và theo dõi thận trọng trước, trong và sau quá trình tiêm để đảm bảo an toàn.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, mũi tiêm vaccine AstraZeneca gần nhất cách đây cũng 2 năm. Nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nào. Xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vaccine. Việc đổ xô đi xét nghiệm D-dimer hay các chỉ số đông máu khác, là vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích.
Xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để xác định yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Nói cách khác, kết quả này chỉ nói lên bạn có nguy cơ cao có cục máu đông chứ không có ý nghĩa chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D-dimer cũng không có khả năng chỉ ra vị trí của cục máu đông.
Chỉ một tỉ lệ rất thấp gặp hiện tượng huyết khối. Trong trường hợp hiếm hoi gặp tác dụng hình thành cục máu đông, có thể xảy ra hai tình huống:
- Hình thành cục máu đông lớn, gây biến cố ngay lúc đó, ví dụ như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
- Hình thành cục máu đông nhỏ, nó sẽ tan dần, thường sau 24h, tối đa 4 tuần là không còn gì nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer (sản phẩm của quá trình tiêu hủy cục máu đông) trong máu.
Vaccine AstraZeneca do trường Đại học Oxford của Anh nghiên cứu và phát triển từ tháng 4.2020 với các thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Brazil, Nam Phi trên người tình nguyện khỏe mạnh và sau đó mở rộng trên nhân viên y tế là những người có nguy cơ phơi nhiễm với CoV trên 18 tuổi. Vaccine AstraZeneca sử dụng vector virus (hay còn gọi là virus trung gian) để tạo ra miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.Khác với vaccine của Pfizer hay Moderna, đây là những phân tử nhờ công nghệ nano mà có khả năng mang trực tiếp mRNA mã hóa cho protein gai của SARS-CoV-2. Khi vào cơ thể sẽ kích thích tạo protein gai từ đó tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, mRNA dễ biến tính, do đó cần được bảo quản nhiệt độ âm -20 độ C trong khi vaccine của AstraZeneca có thể bảo quản 2 - 8 độ C.