Tại sao trận Vòng cung Kursk đã kết thúc mọi tham vọng của phát xít Đức ở Mặt trận phía Đông?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 20:08, 07/05/2024

Ngày 5-7-1943, một trong những chiến dịch quan trọng nhất trong lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bắt đầu gần thị trấn Kursk. Đây là trận chiến quyết định liệu phát xít Đức có thể giành lại thế chủ động chiến lược trong cuộc chiến với Hồng quân Liên Xô, sau thất bại thảm hại ở thành phố Stalingrad hay không?

Tại sao mục tiêu của phát xít Đức là Vòng cung Kursk?

Việc Tập đoàn quân số 6 của Thống chế Friedrich Paulus bao vây ở thành phố Stalingrad và những thất bại sau đó của Wehrmacht (quân đội phát xít Đức) cùng các đồng minh Romania, Hungary và Italia trên sông Đông đã khiến phe phát xít dần kiệt sức và phải rút lui hàng trăm km về phía Tây. Đến mùa xuân năm 1943, phát xít Đức mới tạm ổn định được mặt trận và phản công chiếm lại các thành phố Kharkov và Belgorod.

Vòng cung Kursk của Hồng quân tạo ra sự đe dọa thường trực hai bên sườn và hậu phương của Cụm tập đoàn quân Trung tâm và Cụm tập đoàn quân phía Nam của phát xít Đức. Tuy nhiên, do sự tập trung lực lượng của Hồng quân tại đây, nếu bao vây, tiêu diệt thành công, phát xít Đức có thể đưa số lượng đáng kể đơn vị Quân đội Liên Xô vào bẫy.

Phát xít Đức tập trung những đơn vị thiện chiến và tinh nhuệ cho Chiến dịch Thành cổ nhằm vào Vòng cung Kursk. Ảnh: Rian

Chính vì thể, Bộ chỉ huy tối cao của phát xít Đức đã phát động Chiến dịch Thành cổ nhằm vào Vòng cung Kursk. Trong mệnh lệnh ngày 15-4-1943, Bộ chỉ huy tối cao phát xít yêu cầu: “Chiến dịch này được đặt ở mức ưu tiên cao nhất. Nó phải thành công nhanh chóng và mang tính quyết định… Nên sử dụng các trung đoàn tốt nhất trong các mũi tấn công chủ yếu, vũ khí tốt nhất, chỉ huy giỏi nhất và đạn dược. Chiến thắng ở Kursk phải trở thành tín hiệu cho toàn thế giới”.

Tổng cộng, lực lượng tấn công của Đức có hơn 900.000 quân, khoảng 10.000 pháo và súng cối, hơn 2.700 xe tăng và pháo chống tăng, cùng khoảng 2.000 máy bay. Con số này chiếm khoảng 70% sư đoàn xe tăng, tới 30% sư đoàn cơ giới, hơn 20% sư đoàn bộ binh, cũng như hơn 65% tổng số máy bay chiến đấu tham gia Mặt trận phía Đông chống lại Liên Xô.

Khi chiến dịch Vòng cung Kursk diễn ra, Hồng quân cũng tập trung được lực lượng đáng kể với 1,3 triệu binh sĩ (hơn 600.000 quân dự bị), hơn 26.500 pháo và súng cối, hơn 4.900 xe tăng, pháo tự hành và khoảng 2.900 máy bay.

Dù chiếm ưu thế về quân lực so với quân phát xít, nhưng Hồng quân vẫn quyết định phòng thủ chiều sâu. Trong báo cáo gửi Thống lĩnh tối cao Iosif Stalin ngày 8-4, Nguyên soái Georgy Zhukov báo cáo: “Tôi coi việc điều chuyển lực lượng của chúng ta tấn công trong những ngày tới với đánh gục kẻ thù là không phù hợp. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta làm kiệt sức chúng, tiêu diệt xe tăng của chúng, sau đó đưa lực lượng dự bị chiến lược vào trận để tổ chức tổng tấn công kết liễu đối thủ…”.

Hồng quân Liên Xô đã xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc ở Vòng cung Kursk, bao gồm 8 tuyến phòng thủ với chiều sâu tác chiến đạt 250-300 km. Mật độ hỏa lực tại các tuyến phòng thủ đạt con số kỷ lục chưa từng có trong cuộc chiến.

Chiếc “thòng lọng” đợi sẵn

Sự thành công trong Chiến dịch Thành cổ của phát xít Đức phần lớn phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, tình báo Liên Xô đã tìm được thời điểm bắt đầu chiến dịch. Trong sáng sớm ngày 5-7, ngay trước khi quân đội phát xít tấn công, pháo binh Liên Xô đã thực hiện một cuộc tấn công khủng khiếp nhằm vào vị trí chuẩn bị của đối phương.

Nguyên soái Konstantin Rokossovsky, chỉ huy của Mặt trận Trung tâm thời điểm đó, nhớ lại: “Các đơn vị của phát xít Đức đã mất cảnh giác. Đối phương cho rằng chính phía Hồng quân mới là bên tấn công. Đòn phủ đầu của Hồng quân đã khiến chúng bất ngờ và gây hoang mang trong nội bộ lính Đức. Chúng phải mất gần 2 giờ để sắp xếp lại lực lượng".

Một tổ chiến đấu của Hồng quân. Ảnh: Rian

Bắt đầu trận chiến, hai nhóm chiến đấu phát xít Đức tiến hành tổng tấn công vào mặt phía Bắc và phía Nam của Vòng cung Kursk. Chúng có ý định xuyên thủng hàng phòng ngự của Hồng quân và hội quân tại thị trấn Kursk. Nếu điều này thành công, toàn bộ lực lượng Hồng quân sẽ bị hợp vây hoàn toàn.

Nguyên soái Konstantin Rokossovsky kể lại: “Bị tấn công bởi những đội hình xe tăng của phát xít, chiến sĩ và sĩ quan Hồng quân đã chiến đấu quên mình, dùng mọi cách để hạ gục kẻ thù”.

Gặp phải sự kháng cự kiên cường của Hồng quân ở hướng tiến công phía Bắc, phát xít Đức chỉ tiến sâu được 6-8km vào tuyến phòng thủ. Đến ngày 12-7, mũi tấn công của Đức đã cạn lực lượng dự bị và phải chuyển sang thế phòng thủ.

Ở hướng tấn công phía Nam, mọi chuyện diễn ra thuận lợi hơn đối với quân phát xít. Binh sĩ phát xít có tên Kurt Getzschman thuộc Sư đoàn Panzergrenadier Großdeutschland kể lại: “Các vị trí phòng thủ đầu tiên của Hồng quân bị xuyên thủng tương đối dễ dàng, một số khu định cư đã bị chiếm giữ. Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, sự kháng cự của Hồng quân ngày càng gia tăng. Đặc biệt vũ khí chống tăng của Liên Xô đã gây ra rất nhiều vấn đề cho lực lượng tấn công”.

Bị tổn thất nặng nề, phát xít Đức cuối cùng không thể xuyên thủng hàng phòng ngự của Liên Xô. Thay vì tiến tới thị trấn Kursk qua thành phố Oboyan, quân phát xít buộc phải tấn công vòng qua làng Prokhorovka.

Ngày 12-7, trận chiến xe tăng lớn nhất Chiến tranh Thế giới thứ hai đã xảy ra ở làng Prokhorovka. Hơn 1.000 đơn vị thiết giáp của cả hai bên tham chiến. “Bạn không thể diễn tả nó bằng lời, mọi thứ xung quanh đều chìm trong biển lửa: Máy móc, Trái đất, con người. Lửa bùng lên ở khắp mọi nơi. Chúng tôi hạ cánh trên máy bay Po-2 gần chiến trường. Trong phút chốc, chúng tôi đã đến sở chỉ huy, giao gói hàng bí mật cho họ và lại cất cánh bay qua “biển lửa”. Sau mỗi chuyến bay, thợ máy phải vá hàng chục lỗ hổng trên máy bay. Prokhorovka là thứ đáng sợ nhất tôi từng thấy trong chiến tranh”, phi công Ykov Scheinkman của Hồng quân nhớ lại.

Đến cuối ngày 12-7, khoảng 400 xe tăng của cả hai bên đã bị phá hủy, nhưng không ai giành được lợi thế trong cuộc chiến. Tuy nhiên, đây chính là dấu chấm hết cho Chiến dịch Thành cổ khi quân phát xít không thể phát động thêm bất kỳ đợt tấn công nào khác. Đổi lại, Hồng quân Liên Xô tổ chức phản công trên toàn mặt trận.

Một trận đấu tăng tại Vòng cung Kursk. Ảnh: Rian

Hồng quân phản công và giành thế chủ động chiến lược

Với ưu thế khi tung lực lượng dự bị tham chiến, Hồng quân đã tiến được hơn 150km về phía Tây, giải phóng các thành phố Orel, Belgorod và Kharkov.

Trong một tháng rưỡi chiến đấu, Hồng quân đã bị thiệt hại 800.000 binh sĩ, trong đó có 255.000 người thiệt mạng hoặc mất tích khi chiến đấu. Phát xít Đức cũng chịu tổn thất không kém với 400.000 đến 500.000 quân thương vong, chưa kể tới hàng nghìn phương tiện chiến đấu bị phá hủy. Đây chính là những đơn vị dự bị tinh nhuệ nhất của Đức quốc xã từ khắp các mặt trận.

Tướng phát xít Heinz Guderian, “cha đẻ” của chiến thuật Chiến tranh Chớp nhoáng – Blitzkrieg trứ danh thừa nhận: “Lực lượng thiết giáp được bổ sung một cách khó khăn từ các mặt trận, đã mất khả năng chiến đấu do tổn thất lớn về con người và phương tiện. Ở Mặt trận phía Tây, quân Đồng minh đang lăm le đổ bộ vào mùa xuân năm 1944. Đương nhiên, người Nga sẽ tận dụng chiến quả đã đạt được. Sẽ không còn những ngày bình yên ở Mặt trận phía Đông nữa”.

Chiến sĩ xe tăng Hồng quân bên xác một chiếc xe tăng Tiger của phát xít Đức. Ảnh: Rian

Các nhà sử học Liên Xô đánh giá, thất bại ở Vòng cung Kursk đã rút cạn nguồn lực còn lại của quân phát xít. Quân Đức sau đó không thể tổ chức bất kỳ đợt tấn công quy lớn nào nữa và buộc phải chuyển sang thế phòng thủ ở Mặt trận phía Đông. Trái ngược lại, Hồng quân đã có thể chủ động trên chiến trường để mở các chiến dịch lớn đẩy Đệ tam đế chế tới con đường sụp đổ.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Rian, Lenta…)