Israel vẫn tấn công Rafah dù Hamas chấp nhận ngừng bắn và quốc tế lên án

Tin thế giới - Ngày đăng : 16:44, 07/05/2024

Bất chấp lời kêu gọi của quốc tế, sức ép của gia đình các con tin và việc Hamas chấp nhận ngừng bắn, Israel vẫn quyết định tiếp tục các hoạt động ở Rafah để đạt các mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Hôm qua (6/5), xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah để truy quét Hamas, gia tăng không kích và bắn phá bằng pháo binh ở phần phía đông thành phố, báo hiệu một cuộc đổ bộ gây thương vong lớn vào nơi trú ẩn cuối cùng của cư dân Gaza.

“Không có khu vực nào là an toàn. Tất cả những gì còn lại ở Gaza là cái chết”;  “Cuộc diệt chủng lớn nhất sẽ diễn ra, thảm họa lớn nhất sẽ xảy ra ở Rafah”; “Tôi kêu gọi toàn bộ thế giới Arab can thiệp để ngừng bắn” - đó là những lời kêu cứu của cư dân ở Rafah khi hay tin Israel ra lệnh cho khoảng 100.000 người Palestine sơ tán khỏi Rafah, thành phố phía nam Gaza.

Israel dùng truyền đơn, tin nhắn và loa phát thanh để yêu cầu cư dân di chuyển đến khu vực nhân đạo do Israel lập nên có tên là Muwasi, một trại tạm thời trên bờ biển. Israel cho biết đang mở rộng quy mô của khu vực và cung cấp các lều trại, thực phẩm, nước uống và bệnh viện dã chiến.

Vài giờ sau lệnh sơ tán của Israel, Hamas đột ngột chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Ai Cập, Qatar. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Nội các Chiến tranh của Israel quyết định tiếp tục chiến dịch ở Rafah vì đề xuất mà Hamas đồng ý “chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi của Israel”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết các quan chức Mỹ đang xem xét phản ứng của Hamas: “Như chúng tôi đã nói từ lâu, đã có một lời đề nghị quan trọng được đưa ra. Quả bóng đang ở bên phía Hamas. Chúng tôi đã nói rõ rằng họ nên chấp nhận lời đề nghị đó, rằng Israel đã có những thỏa hiệp đáng kể, cho thấy rằng họ muốn đạt được một thỏa thuận dẫn đến việc thả con tin, điều đó sẽ mang lại lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Bây giờ, với phản hồi Hamas, chúng tôi sẽ xem xét điều đó, tiến hành đánh giá đầy đủ”.

Với động thái mới nhất từ Hamas, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với ông Netanyahu và nhắc lại những lo ngại của Mỹ về việc tấn công Rafah bởi tới nay Israel chưa có 1 kế hoạch đủ tin cậy để bảo vệ dân thường. Tuy nhiên Israel cho biết Rafah là thành trì quan trọng cuối cùng của Hamas ở Gaza và 1 cuộc đổ bộ là cần thiết để ngăn Hamas phục hồi năng lực quân sự. Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực từ các đối tác cứng rắn trong liên minh cầm quyền đòi tấn công Rafah, đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực từ gia đình các con tin đòi đạt được thỏa thuận với Hamas. Các gia đình con tin biểu tình trên khắp các thành phố cho rằng thời gian không còn nhiều để đưa những người thân của họ về nhà an toàn và tấn công trên bộ vào Rafah sẽ càng gây nguy hiểm cho họ.

Bộ Ngoại giao Ai Cập trong một tuyên bố kêu gọi Israel thực hiện “kiềm chế ở mức độ cao nhất” và tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa vào “thời điểm đang có đàm phán". Tuyên bố của Ai Cập cho biết một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ tạo ra "mối nguy hiểm nhân đạo cực độ, đe dọa hơn một triệu người Palestine ở khu vực đó".

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng cho rằng “một vụ thảm sát khác nhằm vào người Palestine sẽ diễn ra và “việc không ngăn chặn được vụ thảm sát sẽ là một vết nhơ không thể xóa nhòa của cộng đồng quốc tế”.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell thì cảnh báo: “Lệnh sơ tán dân thường ở Rafah của Israel báo hiệu điều tồi tệ nhất: thêm chiến tranh và nạn đói”. EU, cùng với cộng đồng quốc tế phải hành động để ngăn chặn kịch bản đó.

Mỹ và các tổ chức nhân đạo cũng phản đối mạnh mẽ, cho rằng sẽ là thảm họa đối với khoảng 1,4 triệu người Palestine đang tị nạn ở đó.

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Nabil Abu Rudeineh, cho biết Israel đã thực sự bắt đầu chuẩn bị thực hiện tội ác diệt chủng lớn nhất khi tấn công Rafah, đồng thời cho rằng việc chính quyền Mỹ hỗ trợ tài chính và quân sự sẽ khuyến khích giới lãnh đạo Israel tiếp tục các cuộc thảm sát người dân Palestine”.