Sức mạnh của tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 của Iran

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 11:35, 07/05/2024

Là cường quốc quân sự tại khu vực Trung Đông, nên không quá khó hiểu khi Iran sở hữu nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa uy lực và nguy hiểm, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Fattah 2.

Fattah-2 được Iran thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2022 và đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nó giúp Iran lọt vào danh sách số ít quốc gia sở hữu loại vũ khí đạn đạo gần như không thể ngăn chặn.

Tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 của Iran.

Fattah-2 có tốc độ lên đến Mach 12 (khoảng 14.700km/giờ), gấp 12 lần vận tốc âm thanh. Nhờ tốc độ cao, tên lửa có thời gian bay tới mục tiêu rất ngắn và rất khó bị phát hiện.

Cùng với đó, Fattah-2 được thiết kế với hình dạng khí động học đặc biệt và khi bay ở tốc độ siêu vượt âm, lớp vỏ ngoài của tên lửa liên tục bay hơi tạo ra đám mây plasma trung hòa về điện tích khiến nó vô hình trước sóng radar.

Theo giới thiệu của Iran, đầu đạn tấn công của Fattah 2 là thiết bị lượn siêu vượt âm, có khả năng thay đổi quỹ đạo để né tránh các phương án đánh chặn của đối phương. Vì thế, việc ngăn chặn nó gần như không thể.

Tầm bắn của Fattah-2 ước tính từ 500 đến 2.500km, cho phép nó tấn công mục tiêu trong khu vực Trung Đông, thậm chí là xa hơn nữa. Tên lửa siêu vượt âm của Iran có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc sinh hóa hạt nhân với sức phá hủy mạnh mẽ.

Trong đợt tập kích tên lửa nhằm vào Israel đầu tháng 4-2024 vừa qua, Iran được cho là đã sử dụng tên lửa Fattah-2 để xuyên thủng lá chắn tên lửa đa tầng và hiện đại của Tel Aviv.

Iran được cho là đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 trong đợt tập kích đường không vào Israel đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh: Defense News

Cho đến nay, rất ít quốc gia sở hữu tên lửa siêu vượt âm với thiết bị lượn chiến đấu (HGV) trong trang bị. Một trong số đó là Nga với thiết bị lượn siêu thanh Avangard gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat. HGV của Nga có khả năng đạt tốc độ gấp 20-27 lần tốc độ âm thanh (tương đương 24.000-33.000km/giờ) và khả năng mang đầu đạn có sức công phá tới 2 Megatone với sai số lệch mục tiêu rất thấp.

Năm 2019, Trung Quốc chính thức đưa DF-ZF HGV vào biên chế. Được gắn trên tên lửa đạn đạo tầm trung cơ động, đầu đạn lượn siêu thanh của Trung Quốc có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần âm thanh (12.360km/giờ). Mỹ dự định đưa Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) Dark Eagle vào hoạt động trong thời gian tới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)