Hành khách đã phải mua vé máy bay giá cao bất thường nên làm điều này
Kinh doanh - Ngày đăng : 10:31, 07/05/2024
Thời gian gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội phản ánh những thông tin nhiều chiều về việc giá vé máy bay tăng cao bất hợp lý.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.
Cùng với việc triển khai kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các cá nhân, tổ chức, khách hàng mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua (nhất là từ đầu năm 2024 đến nay) phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định (tại Thông tư số 17 ngày 3-5-2019, Thông tư số 34 ngày 30-11-2023... của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) qua hộp thư: phananhgiave@caa.gov.vn.
Người phản ánh được đề nghị nêu rõ họ tên hành khách, số điện thoại liên hệ, hành trình vé, giá vé, hình ảnh hóa đơn chứng từ, biên lai chuyển tiền... nhằm góp phần nhanh chóng làm rõ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có).
Trước đó, nhiều thông tin phản ánh giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ Lễ 30-4, 1-5 vừa qua, ảnh hưởng đến sự phát triển ngành du lịch.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng từ 11% đến 49,6%
Tuy nhiên, dù có tăng nhưng mức giá vé trung bình hiện vẫn chỉ ở mức từ 38,1% đến 77,6% so với mức giá tối đa theo quy định.
Lý giải nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đây là xu hướng chung trên thế giới do các nguyên nhân chính gồm: Giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỉ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.