Ngồi 'tuk tuk phiên bản Việt', dạo chơi vùng đất thanh bình ven sông Mekong

Du lịch online - Ngày đăng : 10:18, 07/05/2024

Dạo chơi tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) du khách được ngồi xe tuk tuk qua "hàng cây Sáu Đấu", thăm nhà cổ hơn 100 tuổi, tự tay làm bánh dừa Giồng Luông...

Du khách dạo chơi, tham quan xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Video: Linh Trang - Xuân Minh

W-dji-0595-1.jpg

Xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) là một địa điểm được nhiều du khách yêu thích trong hành trình khám phá tour sông Mê Kông. Sau thời gian lênh đênh sông nước, thông thường du khách sẽ có 2-3 giờ trải nghiệm không gian đậm chất miền Tây tại Đại Điền.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-8-1.jpg

Du khách thong dong ngồi trên chiếc xe lam (khách thường gọi là tuk tuk phiên bản Việt Nam) nhiều màu sắc, tận hưởng làn gió mát lành khi xe chạy xuyên qua những hàng cây to, vươn thẳng lên bầu trời xanh. Hơn 1000 cây dầu trên đoạn đường dài gần 2km này do nguyên Bí thư xã Phú Khánh vận động người dân trồng và chăm sóc suốt nửa thế kỷ qua.

Người dân xã Phú Khánh luôn xem hàng cây này như là biểu tượng của địa phương, và gọi thân thương là "hàng cây Sáu Đấu", theo tên của vị nguyên bí thư.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-20-1.jpg

Một điểm đến ấn tượng trong hành trình là Nhà cổ Huỳnh Phủ, công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1890. Nhà nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum suê.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-29-1.jpg

Chủ căn nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn gọi là Hương Liêm, nổi tiếng giàu có trong vùng khi đó. Tới nay, ngôi nhà do con cháu đời thứ 6 của ông Hương Liêm gìn giữ. Tham quan ngôi nhà cổ, du khách sẽ không khỏi bất ngờ trước con mắt thẩm mỹ và sự chỉn chu trong xây dựng của gia chủ.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-11-1.jpg

Những năm qua, xã Đại Điền phát triển hiệu quả du lịch tham quan sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch tham quan di tích, văn hóa. Cách nhà cổ không xa là Đình Đại Điền.

Đình Đại Điền gắn liền với quần thể di tích Quốc gia Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ. Đình cũng do ông Huỳnh Ngọc Khiêm - chủ nhân của nhà cổ góp công lớn xây dựng. Nơi đây được coi là chốn linh thiêng của bà con trong vùng.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-38-1.jpg

Xã Đại Điền từng là nơi diễn ra lễ xuất quân của Tiểu đoàn Anh hùng 307 vang lừng "đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy". Hiện nay, tại trung tâm xã Đại Điền, có bia lưu niệm về ngày lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307. Căn cứ Giồng Luông và Nơi xuất quân Tiểu đoàn 307 đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018. Đây là nơi để giáo dục thế hệ tương lai đất nước về truyền thống lịch sử hào hùng.

W-du-lich-mien-tay-me-kong-31-1.jpg

"Tôi được tìm hiểu và biết thêm về những giá trị lịch sử, văn hoá từ những công trình, kiến trúc thông qua các điểm đến trên suốt hành trình tham quan xã Đại Điền. Đây là một trải nghiệm du lịch rất thú vị", chị Hà Hương (du khách TP.HCM) chia sẻ.

W-du-lich-mien-tay-me-kong-25-1.jpg

Điểm đến thú vị khác trong hành trình là xưởng sản xuất bánh dừa Giồng Luông, nơi du khách được tìm hiểu về nguyên liệu và quy trình làm bánh. Chuẩn bị từng khâu tỉ mỉ nhưng công đoạn khó nhất và tạo sự hoàn hảo cho chiếc bánh chính là khâu quấn nòng sao cho đều đặn từng vân lá. Đôi tay khéo léo, thoăn thoắt của các bà, các chị khiến du khách không khỏi thích thú.

W-du-lich-mien-tay-me-kong-26-1.jpg

Bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng hơn trăm năm qua bởi sắc vàng óng ánh, lớp vỏ xoắn ốc, thếp vòng, hương vị ngọt béo, dẻo thơm của nếp. Hộ gia đình bà Đoàn Thị Bé đã phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao để góp phần giữ gìn nghề truyền thống tại địa phương.

W-du-lich-dai-dien-ben-tre-9-1.jpg

Thời gian qua, với sự phát triển của mô hình Du lịch tham quan sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch tham quan di tích, văn hóa đã giúp bộ mặt của xã Đại Điền dần thay da đổi thịt. Bà con vùng đất ven sông Mê Kông cũng từ đó mà khấm khá hơn, ổn định hơn, thêm động lực để giữ gìn và giới thiệu những nét độc đáo, đặc trưng của quê hương.