Lên kế hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:19, 06/05/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ GD&ĐT lên kế hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Ý kiến chỉ đạo nêu trên là một nội dung trong thông báo ngày 5/5 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/4, ở trụ sở Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Cùng với việc chỉ rõ 3 quan điểm và 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, thông báo ngày 5/5 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/4 cũng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể mà người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp cùng các chủ thể có liên quan cần tập trung trong thời gian tới.

thu tuong pham minh chinh 1 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị ngày 24/4 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VPG/Nhật Bắc

Theo đó, Bộ KH&ĐT được chỉ đạo tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện; Thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào công tác đào tạo.

Bộ TT&TT khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050" trong quý II/2024.

Cùng với nhiệm vụ lên kế hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GD&ĐT còn được giao xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành đào tạo.

Bộ KH&CN thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, trong đó xác định rõ lĩnh vực ưu tiên kèm theo cơ chế chính sách; Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài để tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn nói riêng.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm vừa thúc đẩy quan hệ ngoại giao kinh tế vừa nghiên cứu, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm việc thu hút nguồn nhân lực cho đào tạo, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn.

Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia nước ngoài cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và cho đào tạo nguồn nhân lực nói riêng, bao gồm nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Bộ Công an.

W-dao-tao-nhan-luc-ban-dan-1-1-1.jpg
Theo Thủ tướng, 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo hàng triệu nhân lực CNTT và đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn đến năm 2030. Ảnh minh họa: N.Y

Thủ tướng Chính phủ giao 2 bộ Quốc phòng, Công an nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan như các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp an ninh… tham gia triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho quốc phòng và an ninh.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách thuế, phí, lệ phí ưu tiên thu hút nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực; Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về: tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; Chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kỹ năng trình độ phục vụ công việc.

Nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, hội đồng nhân dân về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của đề án.

Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động tham gia và tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong nghiên cứu, đặt hàng, đào tạo và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào việc hình thành thị trường lao động cho ngành bán dẫn; Tích cực tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng, thu hút nguồn nhân lực; Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam hiện đã có những cơ sở, nền tảng quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao. Cụ thể, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC, các khu công nghệ cao ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu CNTT tập trung. Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; Có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này, có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo. Các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Song song đó, Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực CNTT. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực CNTT. Đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.