'Cạm bẫy' từ thuốc lá điện tử - Bài 1: Cám dỗ từ 'sắc màu' và 'mùi vị'
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:48, 06/05/2024
Để thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn diện về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết: "Cạm bẫy" từ thuốc lá điện tử.
Bài 1: Cám dỗ từ 'sắc màu' và 'mùi vị'
Theo báo cáo của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. Đây là con số đáng lo ngại!
Giới trẻ khó cưỡng nổi cám dỗ
Chỉ với hơn 100.000 nghìn là có thể mua được một điếu thuốc lá điện tử mà giới trẻ hay gọi là Vape. Trên các trang mạng xã hội và tại các cổng trường học, loại sản phẩm này vẫn được bày bán rộng rãi. Người mua có thể dễ dàng lựa chọn từ nhiều loại thuốc lá điện tử khác nhau với đủ mẫu mã, giá cả, từ phổ thông đến cao cấp. Những lời quảng cáo cuốn hút như: không gây hại; văn hóa hút thuốc lành mạnh; sành điệu; thuốc lá thế hệ mới... đã chạm vào tâm lý thích thể hiện "cái tôi", mong muốn khám phá, khẳng định "chất chơi" của tuổi mới lớn.
Cầm trên tay điếu thuốc lá điện tử, T.H (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, lúc đầu nhìn các bạn hút thấy hay hay, rất "dân chơi", "sành điệu" nên em đã tập hút. Đến giờ e đã hút thuốc được 2 năm. Thuốc lá điện tử rất tiện có thể gắn vào dây theo như một phụ kiện thời trang.
Bạn gái K.A (21 tuổi, Hà Nội) cũng nhận xét thuốc lá điện tử rất thơm, nhiều mùi để lựa chọn. Mùi bạc hà và xoài rất ngon lại không có mùi hôi nên em rất thích. Em thấy mọi người bảo dùng vape này không bị nghiện như thuốc lá thông thường nên hút để giết thời gian.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có ít nhất 16.000 loại hương vị và thuốc lá điện tử giống như đồ chơi, kẹo và đồ trang trí. Hình thức của các sản phẩm cũng được thiết kế để phản ánh thị hiếu của từng nhóm đối tượng. Phái nữ có thiết kế của những điếu thuốc lá điện tử màu hồng, vàng, đỏ, với hình dáng như thỏi son, cây bút, tạo vẻ có "phong cách thời trang và sành điệu". Trong khi đó, dành cho nam giới có các sản phẩm mang vẻ "mạnh mẽ" và "đàn ông", như các điếu thuốc lá điện tử hình bật lửa, cây súng. Ngay cả trẻ em cũng không tránh khỏi sự cám dỗ, khi có những loại thuốc lá điện tử được thiết kế giống như các cây kẹo, hộp sữa;....
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp thuốc lá bắt đầu chuyển hướng đến giới trẻ để tìm kiếm những người hút thuốc lá thay thế nhằm duy trì lợi nhuận tăng trưởng hằng năm. Vì vậy, các hãng thiết kế nhiều sản phẩm bắt mắt, giá trẻ, hình dạng phong phú đánh vào thị hiếu của giới trẻ.
Các hãng cũng sử dụng các chiến lược quảng cáo mạnh mẽ như giới thiệu sản phẩm, tổ chức các buổi dùng thử tại các cửa hàng bán lẻ, sử dụng người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng trong giới trẻ để quảng cáo, tận dụng sự phổ biến của mạng xã hội để tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, và Tiktok. Đồng thời, việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử cũng đang trở thành một phương tiện quan trọng để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.
Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo. Sự hấp dẫn của các loại thuốc lá điện tử với đa dạng mùi vị, hình thức bắt mắt đặc biệt dễ dàng gây nên sự nghiện ngập trong tâm trí của người dùng, đặc biệt là ảnh hưởng tới sự phát triển của tuổi vị thành niên. Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đối với giới trẻ không đơn giản chỉ là vấn đề về sức khỏe đơn thuần, mà là một thách thức đáng ngại về tâm lý và xã hội.
Tác nhân âm thầm ảnh hưởng thần kinh thế hệ trẻ
Báo Telegraph (Anh) ngày 30/4 dẫn kết quả nghiên cứu mới cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên có lượng chì cao hơn tới 40% và gấp đôi lượng urani trong mẫu nước tiểu so với những người chỉ thỉnh thoảng sử dụng thuốc lá điện tử.
Kết quả phân tích mẫu nước tiểu của 200 thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi sử dụng vape của Đại học Nebraska (Hoa Kỳ) cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có vị ngọt như kẹo, mức urani trong nước tiểu của họ thậm chí còn cao hơn 90% so với những người sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị tinh dầu menthol hoặc tinh dầu mint.
Theo các chuyên gia, phơi nhiễm urani có thể làm gián đoạn sự phát triển của não và hệ thần kinh trung ương, trong khi ở mức độ thấp hơn phơi nhiễm chì có thể làm giảm mức độ thông minh, khả năng tập trung và kỹ năng xã hội của trẻ. Trong khi đó, việc tiếp xúc với urani có thể ảnh hưởng đến thận, phổi và hệ thần kinh trung ương, gây nhầm lẫn, căng thẳng, buồn nôn và các triệu chứng khác.
Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, kết luận của các nhà khoa học Hoa Kỳ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England mới đây cho thấy, những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.
Bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trong thuốc lá điện tử có chứa rất nhiều loại chất, khi bệnh nhân hít phải sẽ kích thích thần kinh, tim mạch rất mạnh. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Từ thực tế tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, hai năm qua, Bệnh viện tiếp nhận trên 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh, tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Đáng chú ý là thuốc lá điện tử vẫn chưa được cấp phép kinh doanh chính thức tại Việt Nam. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là cần có sự hướng dẫn, tuyên truyền, giúp thế hệ trẻ có thể nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để phòng tránh.
Bài cuối: Chung tay đẩy lùi chất gây nghiện