Tháo chạy khỏi Big Tech sau nhiều năm ‘bán mạng’ cho công việc

Cuộc sống số - Ngày đăng : 10:30, 06/05/2024

Zoe Du từng là một nhân viên Big Tech điển hình tại Trung Quốc, làm việc 6 ngày một tuần. Có lần, cô ngất xỉu trong văn phòng sau khi tuần nào cũng làm việc đến 11 giờ đêm mỗi ngày.

Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp Internet, Du đã nghỉ việc tại ByteDance, chủ sở hữu TikTok và Douyin, vào năm 2020. Đây cũng là năm khởi đầu cuộc trấn áp công nghệ của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho biết sẽ điều chỉnh các hoạt động độc quyền của các nhà khai thác nền tảng trực tuyến và ngăn chặn việc mở rộng vốn "vô trật tự".

Du, sống ở Thành Đô, là một trong hàng chục nghìn nhân viên Trung Quốc đã rời bỏ công việc của họ tại các công ty Big Tech của đất nước trong những năm gần đây, khi ngành công nghiệp này mất đà tăng trưởng. Dù việc làm công nghệ vẫn là những vị trí được trả lương cao nhất trên thị trường việc làm nội địa, chúng không còn được coi là con đường tắt dẫn đến sự giàu có trong bối cảnh sa thải và giá trị quyền chọn cổ phiếu bị thu hẹp.

Những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc liên tục sa thải nhân sự thời gian qua, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người. Tính đến cuối năm 2023, nhóm BAT – bao gồm Baidu, Alibaba và Tencent – tuyển dụng 364.477 nhân viên, giảm gần 25.000 so với một năm trước đó, theo báo cáo tài chính. Dù vậy, tổng số nhân viên sụt giảm không hoàn toàn là kết quả của việc cắt giảm chi phí vì các công ty cũng trải qua những thay đổi kinh doanh đáng kể.

kzsuae0o.png
Phía trước trụ sở Tencent tại Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 17/1. Ảnh: Bloomberg

Du, người có nickname Danna trên mạng, nhận xét Big Tech Trung Quốc "kém phát triển hơn so với vài năm trước", đồng thời tiết lộ ít nhất 70% đồng nghiệp cũ của cô đã từ chức để theo đuổi các dự án kinh doanh của riêng họ, giống như cô đã làm.

Vào năm 2021, Du thành lập Ziranliu để giúp những người có ảnh hưởng trên web (KOL) tăng cường và kiếm tiền từ người theo dõi của họ. Chỉ với 8 nhân viên, công ty đã đạt được thu nhập 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) vào năm 2023 và giúp hơn 150 khách hàng nổi tiếng trên các nền tảng video ngắn.

Du cho biết kinh nghiệm làm việc của cô với các công ty, bao gồm ByteDance, đã phát huy giá trị, cho phép cô hiểu được dữ liệu, lưu lượng truy cập web và quản lý.

Wang Sijing, cựu Giám đốc sản phẩm của gã khổng lồ tìm kiếm Baidu và startup cho thuê xe đạp Ofo (đã giải thể), cũng kể một câu chuyện tương tự. Wang cho biết 5 năm làm việc cho các “ông lớn” đã giúp cô có một phong cách làm việc "có hệ thống hơn", đặt dữ liệu lên hàng đầu. Cô cũng phản biện tốt hơn, sau khi liên tục được thử thách trong môi trường làm việc Big Tech.

Wang rời Ofo vào năm 2017, giữa lúc các startup và ngành công nghiệp Internet phát triển nhanh chóng. Tháng 4 cùng năm, Ofo thu hút 40 triệu người dùng tại hơn 70 thành phố trên toàn thế giới, theo đồng sáng lập Zhang Siding, nhưng trong vòng vài tháng, họ trải qua một cuộc khủng hoảng vốn và vẫn nợ tiền hàng triệu người dùng.

Wang quyết định nghỉ việc vì cảm thấy chỉ đóng góp hạn chế vào bức tranh chung. "Là người quản lý sản phẩm, tôi chỉ có thể quyết định trang chiến dịch trông như thế nào trên ứng dụng", cô nói.

Việc đầu tiên của cô sau khi nghỉ là đào tạo quản lý sản phẩm. Doanh nghiệp của Wang đạt doanh thu 20 triệu NDT trong năm đầu tiên nhờ sức hấp dẫn của lĩnh vực Internet. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh đã thay đổi sau năm 2020, khi đại dịch đóng cửa tất cả các lớp học trực tiếp, đồng thời, nhu cầu đào tạo quản lý sản phẩm giảm.

"Những người tham gia vào lĩnh vực Internet (sau năm 2020) không được hưởng lợi từ sự bùng nổ trước đó", cô nói. Số học viên của các lớp quản lý sản phẩm giảm xuống còn 1/5 so với trước đó, khiến cô phải chuyển hướng.

Năm 2021, Wang tái xuất với tư cách là một chuyên gia trực tuyến về đào tạo sản phẩm, mẹo nghề nghiệp và tự kinh doanh, sử dụng bút danh PMWang trên các nền tảng như Douyin và Xiaohongshu.

Việc các nhân viên công nghệ tận dụng kinh nghiệm làm việc tại Big Tech để giúp đỡ các KOL ngày nay đã trở thành xu hướng. Tìm kiếm từ khóa "rời Big Tech" trên Douyin trả về vô số kết quả, trong đó có các tài khoản cung cấp lời khuyên về tìm kiếm việc làm, thương mại điện tử, thay đổi nghề nghiệp và quản lý.

So với những ngày còn ở ByteDance, Du cho biết cuộc sống bây giờ "tự do hơn nhiều". "Khi mệt mỏi, tôi sẽ cho mình một kỳ nghỉ trong một hoặc hai ngày, đi du lịch, gần gũi hơn với thiên nhiên hoặc chỉ thiền định", cô nói.

Ngành Internet của Trung Quốc khét tiếng với lịch trình 996 - 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, 6 ngày một tuần. Dù tình trạng này đã giảm bớt sau khi bị chỉ trích rộng rãi, một số nhân viên tại ByteDance và Tencent chia sẻ họ vẫn cần phải làm việc muộn vào buổi tối và đôi khi vào cuối tuần để đáp ứng hạn chót dự án.

Là một người tự kinh doanh, Du thỉnh thoảng làm việc đến 9 giờ tối nhưng điều đó không còn làm phiền cô "vì đây là những gì tôi sở hữu và đam mê". Theo cựu nhân viên ByteDance, phần khó nhất trong việc điều hành doanh nghiệp riêng là trước khi nó bắt đầu.

Sau khi rời công ty, cô đã dành 6 tháng để suy nghĩ về ý tưởng trở thành một doanh nhân. "Tôi liên tục tự vấn bản thân và cảm thấy tội lỗi khi không còn lương", cô hồi tưởng. Song, cô biết rằng "nghỉ ngơi là điều cần thiết đối với một người đã chạy không ngừng nghỉ trong nhiều năm".

(Theo SCMP)