Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:26, 06/05/2024
TS.BS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, bàn chân bẹt là tình trạng mặt lòng bàn chân của trẻ bằng phẳng, không lõm chút nào. Một số trẻ bụ bẫm nhìn cũng dễ nhầm lẫn với bàn chân bẹt. Dị tật này ở đa số trẻ sẽ tự hết lúc 6 tuổi nếu bàn chân vận động tốt và mềm mại.
Trên thực tế, tất cả trẻ sơ sinh đều có bàn chân không có vòm, không lõm hay còn gọi là bàn chân bẹt. Khi trẻ từ 2 đến 3 tuổi, vòm bàn chân sẽ được hình thành cùng với hệ thống dây chằng. Vòm bàn chân sẽ giúp cho cơ thể trẻ có thể chịu lực, cân bằng, đi đứng nhẹ nhàng, giúp giảm phản lực từ mặt đất dội lên khi chân di chuyển. Thông thường, những người có hệ thống dây chằng quá lỏng lẻo sẽ dễ bị tật bàn chân bẹt, các xương ở bàn chân không được cố định tốt và khi bàn chân đi trên cát hoặc in mực lên tờ giấy sẽ không thấy có chỗ khuyết như dấu chân thông thường.
Hình ảnh bàn chân bẹt và bàn chân bình thường
Thống kê cho thấy có khoảng 30% dân số mắc chứng chân bẹt tùy theo cấp độ, có hoặc không kèm theo giãn hoặc rách gân cơ chằng sau. Ban đầu, bàn chân bẹt không gây đau, đến một thời điểm nào đó khi khung xương không đủ lực chịu đựng sự mất cân bằng thì người bệnh sẽ đau mắt cá chân, đau đầu gối, đau khớp háng hay thắt lưng.
"Nguyên nhân chủ yếu của dị tật bàn chân bẹt bẩm sinh do di truyền. Ngoài ra các nguyên nhân thứ phát thường gặp là các mô liên hệ ở vùng bàn chân lỏng lẻo, kéo giãn do hoạt động quá mức hoặc trẻ mang giày không phù hợp, sau chấn thương, béo phì… hoặc trong các bệnh lý thần kinh cơ ở trẻ." BS Hương Giang cho biết
Cách nhận biết trẻ bị bàn chân bẹt
Thông thường trẻ dưới 2 tuổi đều có triệu chứng bàn chân bẹt, nhưng từ 3 tuổi trở lên, các vòm bàn chân sẽ bắt đầu được hình thành, vì vậy bố mẹ có thể bắt đầu kiểm tra cho con khi trẻ lên 3 tuổi, bằng cách:
Cách 1: Làm ướt bàn chân của trẻ (bằng nước trắng hoặc nước có màu thì càng rõ), sau đó yêu cầu con đặt bàn chân để in lên một tờ giấy trắng, tờ bìa hoặc nền gạch sao cho có thể nhìn rõ dấu chân in. Nếu nhìn thấy dấu ấn của nguyên cả bàn chân trên bề mặt in thì có khả năng trẻ đã bị mắc chứng bàn chân bẹt. Tuy nhiên, nếu phần hình in có một khoảng trống nhỏ thành hình vòm cong thì bố mẹ có thể yên tâm.
Cách 2: Dùng trực tiếp ngón tay của bố mẹ mình đặt xuống dưới gan bàn chân của trẻ khi trẻ đứng trên mặt phẳng, nếu các ngón tay bố mẹ không thể luồn được vào gan bàn chân của trẻ thì trẻ có thể đã mắc chứng bàn chân bẹt.
Các dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt
Bên cạnh đó, với những trẻ có bàn chân bẹt khi đi lại, phần mặt trong của bàn chân có khuynh hướng áp xuống đất, dần dần sẽ khiến bàn chân bị biến dạng. Khi vận động chạy nhảy hoặc chơi thể thao, trẻ dễ bị té ngã hoặc gặp chấn thương vì bàn chân không đủ linh động khi chạm đất, cùng lúc gót chân vẹo ra ngoài, bàn chân đổ vào trong khiến khớp cổ chân, khớp gối cũng bị ảnh hưởng.
"Hội chứng bàn chân bẹt còn làm lệch trục cột sống khiến trẻ bị đau nhức liên tục kéo dài như tình trạng đau nhức khớp cổ chân, khớp bàn chân, khớp gối, khớp háng, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng làm biến dạng, vẹo cột sống, đau lưng và cổ." BS Giang nhấn mạnh
Bàn chân bẹt có chữa được không?
Theo BS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi TƯ, bàn chân bẹt có thể khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm trong khoảng 3 – 7 tuổi. Trẻ có thể vận động bình thường và không để lại các di chứng khi trưởng thành. Trong giai đoạn này, ngay khi trẻ được chẩn đoán, việc điều trị sớm bằng đế giày chỉnh hình trong vòng 1 đến 2 năm có thể giúp trẻ tạo vòm bàn chân hoàn toàn.
Ngoài ra, kết hợp chỉnh hình và các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tạo thuận cho quá trình tạo vòm bàn chân. Việc quan trọng là phát hiện và can thiệp điều trị sớm cho trẻ giúp việc hồi phục đơn giản và nhanh hơn.
Một số trường hợp trẻ lớn hoặc dị tật bàn chân quá nặng gây biến dạng nghiêm trọng cấu trúc xương có thể cân nhắc phẫu thuật chỉnh hình bàn chân. Chính vì vậy, ngay khi nghi ngờ trẻ có bàn chân bẹt ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ cần được đưa đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và lựa chọn các can thiệp phù hợp.
Theo VOV