Điểm tin kinh doanh 6/5: Giá vàng: Vàng có thể xuống mức 2.250 – 2.260 USD/ounce
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 06/05/2024
- Giá vàng: Vàng có thể xuống mức 2.250 – 2.260 USD/ounce
Các chuyên gia cho rằng triển vọng ngắn hạn của vàng khá bi quan, thậm chí nghi ngờ kim loại vàng có thể có mức giá thấp hơn nữa ở mức 2.250 - 2.260 USD/ounce.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang ở chiều mua và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán trong ngày hôm 4/5, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 5/5 tại Hà Nội chưa có thêm sự biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 83,5 – 85,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 83,5 – 85,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 5/5 chưa có sự biến động so với cuối ngày hôm 4/5, hiện đứng ở mức 73,62 – 75,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm nhẹ 2 USD xuống 2.301,8 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York giảm 1 USD, tương ứng giảm 0,04% xuống mức 2.308,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm 38,6 USD/ounce, tương ứng giảm 1,64%.
Vàng vừa trải qua tuần biến động với các dữ liệu kinh tế và công bố của Cục Dự trữ Liên bang cũng như cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Powell. Mặc dù kim loại quý này đã giữ được mức hỗ trợ trên 2.300 USD/ounce nhưng kết thúc tuần vẫn ghi nhận mức giảm hơn 1,6%.
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng ngắn hạn của vàng, trong khi hầu hết các nhà giao dịch bán lẻ vẫn dự báo giá vàng giảm hoặc đi ngang.
Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của FXTM Lukman Otunuga cho biết, các tín hiệu sẽ giảm giá đối với vàng thỏi trong những ngày tới. “Giá vàng đang nhấp nháy màu đỏ, đánh mất mức tăng ban đầu từ báo cáo việc làm lạc quan của Mỹ”, ông lưu ý.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận thấy sự cân bằng của giao dịch ngắn hạn sẽ nghiêng về phía giảm vào tuần tới, vì ông kỳ vọng nhu cầu của châu Á sẽ quay trở lại.
“Vàng hợp nhất trong những ngày gần đây và vấn đề quan trọng là liệu đó là mô hình hợp nhất hay hình thành đáy. Tôi nghi ngờ kim loại màu vàng có thể có một mức giá thấp hơn nữa ở mức 2.250 – 2.260 USD/ounce”, ông nói.
- Thanh khoản bình quân phiên giảm trên thị trường UPCoM tháng 4
Thị trường UPCoM tháng 4/2024 có xu hướng giảm về điểm số và thanh khoản so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng, chỉ số UPCoM-Index giảm 3,07 điểm, trong khi đó, thanh khoản bình quân phiên cũng giảm 2,28% so với tháng 3/2024.
Thông tin từ HNX cho biết, trong tháng 4/2024, thị trường UPCoM đã có xu hướng giảm về chỉ số giá cổ phiếu và thanh khoản thị trường so với tháng trước. Theo đó, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa tháng 4/2024 tại 88,76 điểm, giảm 3,07% so với cuối tháng 3/2024.
Khối lượng giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 48,91 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 0,29% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 686 tỷ đồng/phiên, giảm 2,28% so với tháng 3/2024. Trong đó, phiên giao dịch có khối lượng giao dịch cao nhất tháng đạt 89,4 triệu cổ phiếu tại ngày 5/4/2024 và đây cũng là phiên có giá trị giao dịch cao nhất với hơn 1.147 tỷ đồng.
Tính tới hết tháng 4/2024, thị trường UPCoM có 871 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 430 nghìn tỷ đồng. và giá trị vốn hóa đạt 1.248 nghìn tỷ đồng.
Về biến động giá cổ phiếu, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tháng 4 là mã chứng khoán NTF, với giá đóng cửa cuối kỳ đạt 39.900 đồng, tăng 128% so với cuối tháng trước. Tiếp theo là HPH với giá đóng cửa đạt 17.000 đồng, tăng 84,78% so với cuối tháng trước. Ngoài ra, trong nhóm tăng giá mạnh nhất còn có cổ phiếu TTG, CKA, CMW...
Về khối lượng giao dịch, 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng là BSR, AAH, VGI, DDV, ABB với khối lượng giao dịch lần lượt là 153 triệu, 129 triệu, 39 triệu, 31 triệu và 31 triệu cổ phiếu.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh so với tháng 3/2024, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 834 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 57%. Trong đó, giá trị mua vào đạt 365 tỷ đồng và bán ra 468 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 4/2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 103 đồng. Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là BSR, VGT, ACV, DDV, VEA. Các cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất là BSR, VEA, ACV, QNS, MPC.
Giao dịch tự doanh cổ phiếu UPCoM của các công ty chứng khoán đạt 63,2 tỷ đồng, giảm hơn 71% so với tháng 3/2024, trong đó mua vào 32,7 tỷ đồng và bán ra 30,5 tỷ đồng.
Trong tháng 4, thị trường UPCoM đón nhận thêm 1 doanh nghiệp đang ký giao dịch mới, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường này là 871 doanh nghiệp vào cuối tháng 4, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 430 nghìn tỷ đồng và giá trị vốn hóa đạt 1.248 nghìn tỷ đồng.
- Cơ quan Thuế rà soát, xử lý cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn
Tổng cục Thuế kiến nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đến nay, toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc và sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử.
Hiện nay cả nước đã thực hiện triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Như vậy, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Tổng cục Thuế kiến nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
- Thanh toán qua mã QR tăng mạnh
Số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị. Cụ thể, thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.
Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Vụ Thanh toán của NHNN, hiện nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
- Giá thanh long ruột đỏ tăng cao
Hiện giá thanh long ruột đỏ tại nhiều địa phương vùng Ðồng bằng Sông Cửu Long tăng mạnh từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá đang ở mức khá cao, khiến người trồng thanh long rất phấn khởi.
Thanh long ruột đỏ loại 1 được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây với giá lên đến 42.000 - 43.000 đồng/kg (mức giá trước đây là 30.000 - 32.000 đồng/kg); loại 2 là 37.000 - 39.000 đồng/kg; loại 3 ở mức 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Theo nhận định, giá thanh long ruột đỏ tăng mạnh do được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ chế biến và xuất khẩu, trong khi nguồn cung hạn chế, lượng thanh long ruột đỏ tới lứa thu hoạch trái không nhiều, từ đó tạo điều kiện cho giá tăng.
Riêng giá thanh long ruột trắng tại nhiều địa phương cũng tăng ít nhất từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước, lên mức 14.000 - 16.000 đồng/kg.
Dự báo giá thanh long có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu tăng.