Đề xuất sớm có giải pháp khắc phục lâu dài sự cố phát sinh tại bãi rác Nam Sơn
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:01, 05/05/2024
Tiếp tục thông tin liên quan đến việc khắc phục sự cố sạt lở bao ô lưu chứa bùn (bùn không nguy hại sau xử lý nước rỉ rác) tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xảy ra vào 17 giờ 30 phút ngày 3/5, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) chỉ đạo đơn vị vận hành là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Sơn Tây huy động máy móc, nhân lực khắc phục kịp thời sự cố. Việc tập trung xử lý ngay từ giờ đầu, giúp tình trạng rỉ rác và bùn được hạn chế tối đa, tránh thoát ra môi trường.
Đến 19 giờ cùng ngày, sự cố cơ bản đã được khắc phục (bùn thải chỉ còn nằm ở khu vực đường nội bộ khu xử lý). Đến 11 giờ ngày 4/5, công tác tổng vệ sinh tại trục đường nội bộ đã được đơn vị vận hành xử lý triệt để, việc tiếp nhận rác trở lại bình thường.
Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, UBND xã Hồng Kỳ đã lấy mẫu bùn thải (phát sinh từ sự cố) để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng tới môi trường; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xử lý kịp thời theo quy định.
Đánh giá thực trạng Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, Khu xử lý này đang tiếp nhận, xử lý rác khối lượng rác trung bình 6.600 tấn/ngày đêm của toàn thành phố Hà Nội. Cơ sở hạ tầng của Khu xử lý đã xuống cấp nghiêm trọng. Các ô chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận rác, lượng nước rỉ rác tồn tại các hồ lớn. Hàng ngày, lượng rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp vẫn đang được thực hiện gây nguy cơ cao mất an toàn, an ninh chính trị tại khu vực.
UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để sự cố vừa xảy ra; kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý và đề xuất giải pháp khắc phục lâu dài đối với sự cố phát sinh trong quá trình vận hành Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; xem xét, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra sự cố. Mặt khác, các đơn vị nghiên cứu, đánh giá kỹ việc đổ bùn thải thải sau quá trình xử lý nước rỉ rác lên ô H1, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực bãi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị thành phố yêu cầu Liên danh Công ty cổ phần Môi trường đô thị Sơn Tây và Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 cùng các đơn vị vận hành trong Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn rà soát, diễn tập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, nhất là trong mùa mưa bão.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thiết lập đầu mối liên hệ, kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, vận hành, UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và các đơn vị có liên quan trong trường hợp có sự cố xảy ra, cũng như các phát sinh thay đổi khác (đột xuất, định kỳ) để kịp thời thông tin, báo cáo, phối hợp. Thường xuyên thông tin kết quả của các đơn vị hoạt động trong Khu xử để chính quyền địa phương và người dân được biết, giám sát.
Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình xử lý chất thải của các đơn vị vận hành trong khu xử lý; có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề do hoạt động của khu xử lý, đặc biệt mùi rác và hiện tượng bùng phát dịch ruồi gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường và tránh bức xúc trong nhân dân.
UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố Hà Nội cải tạo, xây dựng lại cơ sở hạ tầng đã xuống cấp có nguy cơ gây mất an toàn tại các ô chứa rác và chứa nước rỉ rác; nghiên cứu, xây dựng thêm nhà máy xử lý rác (đốt rác) tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đáp ứng nhu cầu xử lý rác hàng ngày của thành phố và lượng rác đã chôn lấp tại đây trong nhiều năm qua; chỉ đạo xử lý dứt điểm lượng nước rỉ rác còn tồn đọng tại ô chứa nước rác.