Axit uric cao có nên uống sữa, ăn trứng hay uống trà, cà phê không?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:42, 04/05/2024

Người axit uric cao là một dấu hiệu cảnh báo điển hình của các bệnh gout và thận. Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra các protein thân thiện với bệnh gout, người có axit uric cao bao gồm trứng, các loại hạt, và cá nước lạnh.
Axit uric cao có nên uống sữa, ăn trứng hay uống trà, cà phê không?

Chế độ ăn uống thân thiện với người bị axit uric cao

Nguyên nhân khiến axit uric cao chủ yếu đến từ hàm lượng purin nạp vào trong cơ thể cao hơn mức cần thiết.

Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, môi trường, chế độ dinh dưỡng và thói quen sống là những lý do có thể ảnh hưởng đến sự tăng giảm của acid uric trong cơ thể người.

Bệnh gout là một dạng viêm khớp tấn công các khớp, gây đau và sưng cấp tính, chủ yếu ở ngón chân cái và ngón tay, đôi khi ở cổ tay, khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân.

Các cuộc tấn công của bệnh gout được kích hoạt bởi sự tích tụ axit uric trong khớp. Cơ thể sản sinh ra axit uric bất cứ khi nào nó phân hủy các thực phẩm có chứa purine.

Axit uric tăng cao thường gặp ở những người có thói quen sống không lành mạnh và chế độ dinh dưỡng không khoa học.

Chuyên gia khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Changi - thành viên tập đoàn SingHealth - chia sẻ về những thực phẩm phù hợp với người mắc bệnh gout.

Chất đạm​ nào tốt cho người axit uric cao?

Những người axit uric cao nên tránh các loại protein có nồng độ purine rất cao như nội tạng, hải sản và động vật có vỏ cũng như các loại thịt như thịt nai, xúc xích và thịt xông khói. Tuy nhiên, những người axit uric cao vẫn có thể ăn các thực phẩm protein có hàm lượng purine thấp hơn một cách vừa phải.

Đồ hoạ: Trà My
Người axit uric cao nên chú ý về những thực phẩm nạp vào cơ thể để đảm bảo sức khỏe. Đồ họa: Trà My

Trứng

Trứng có hàm lượng purin thấp nhưng nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên tiêu thụ tối đa 4 quả trứng mỗi tuần.

Cá nước lạnh

Các axit béo thiết yếu có trong cá nước lạnh như cá ngừ có thể làm giảm viêm do bệnh gout. Tuy nhiên, để ngăn ngừa bệnh gout bùng phát, hãy hạn chế ăn cá ở mức một khẩu phần mỗi ngày vì nó vẫn chứa purin.

Các loại hạt óc chó, hạnh nhân, hạt lanh, hạt điều

Một chế độ ăn uống thân thiện với người bệnh gout nên bao gồm hai thìa hạt mỗi ngày. Nguồn dinh dưỡng từ hạt có hàm lượng purine thấp bao gồm hạt óc chó, hạnh nhân, hạt lanh và hạt điều.

Các thực phẩm được coi là thân thiện với người axit uric cao

Thực phẩm chứa hàm lượng purine thấp tạo nên chế độ ăn thân thiện với bệnh gout.

Bánh mì trắng, mì ống và mì

Carbohydrate tinh chế an toàn cho người bị bệnh gout vì có hàm lượng purine thấp. Nhưng nếu một người tiêu thụ quá nhiều carbohydrate tinh chế có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và tiểu đường. Bánh mì nguyên hạt và mì ống nguyên hạt tốt cho sức khỏe hơn carbohydrate tinh chế.

Các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua

Sữa ít béo và sữa chua ít béo là những thực phẩm tuyệt vời cho người bị axit uric cao vì hàm lượng purine thấp và khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

Rau

Ăn nhiều rau như cải xoăn, bắp cải, bí, ớt chuông đỏ, củ cải đường nhưng hạn chế ăn các loại rau có hàm lượng purine vừa phải như măng tây, rau bina, súp lơ và nấm.

Trái cây

Ăn trái cây có nhiều vitamin C như cam, quýt, đu đủ và anh đào. Táo, lê, dứa, bơ là những loại trái cây có hàm lượng purine thấp nên có thể ăn ở mức độ vừa phải.

Nước

Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày trừ khi bạn được khuyên hạn chế uống nước vì lý do y tế.

Cà phê và trà

Cà phê và trà an toàn cho người bị bệnh gout. Uống cà phê có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh gout, giảm mức axit uric trong máu.

Cà phê có thể giảm nồng độ axit uric bằng cách tăng tốc độ cơ thể bài tiết chất này.

Cà phê cũng có thể cạnh tranh với enzyme phân hủy purin trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm tốc độ tạo ra axit uric. Ngoài ra, trong cà phê còn chứa nhiều loại hợp chất có lợi gồm khoáng chất, polyphenol và caffeine.

Trà My