Tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi nắng nóng kéo dài
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:41, 04/05/2024
Vừa qua, tại địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), xảy ra vụ 15 học sinh tại 4 trường tiểu học khác nhau nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia ngành Y tế TPHCM nhận định khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, tới sáng 4.5, đã có 529 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh).
Đợt nắng nóng năm nay, nhiều khu vực ở Nam Bộ đã đạt ngưỡng trên 40 độ C. Ngành Y tế TPHCM cho hay, tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo:
- Chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kĩ bằng nước sạch.
- Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt trên 70 độ C. Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn trên 5 giờ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 giờ và phải được đun kỹ lại.
- Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bị nhiễm trùng ở bàn tay, băng kĩ và kín vết thương nhiễm trùng trước khi chế biến thức ăn.
- Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...
- Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
- Phản ánh đến các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Trước đó, như Báo Lao Động đưa tin, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM - cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường. Thông thường, nhóm đối tượng của thực phẩm này là trẻ em - nhóm này lại có nguy cơ lớn bị ngộ độc thực phẩm.Ngành Y tế thành phố cũng khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho trẻ ăn nhanh trước khi đi học.