Thủ tướng yêu cầu 'không tăng giá vào thời điểm tăng lương'
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:07, 04/05/2024
Quan điểm chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, sáng 4/5.
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực về tình hình kinh tế - xã hội, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại và thách thức về sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực, theo Thủ tướng, còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.
Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm, 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ.
Nhấn mạnh định hướng chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn. "Càng áp lực lại càng nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông lưu ý cần nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Theo lãnh đạo Chính phủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Với những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại.
Trong 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết về việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. "Lưu ý không điều hành giật cục và chính sách tài khóa phải tích cực hơn", Thủ tướng nói.
Sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cũng là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ đề cập.
Cùng với yêu cầu phát triển lành mạnh các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng, xử lý nghiêm các vi phạm, Thủ tướng quán triệt tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công.
"Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương", Thủ tướng yêu cầu.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.
Theo Thủ tướng, trước đây, các dự án đầu tư công hay kéo dài nhưng nay, việc này đang từng bước khắc phục, nhiều dự án đúng hạn. Đặc biệt, nhiều dự án cao tốc có khả năng hoàn thành trước 3-6 tháng so với kế hoạch.
"Dự kiến tới 30/6/2025, chúng ta có thể nối trục đường bộ cao tốc thống nhất từ Hà Nội tới TPHCM, tất nhiên còn một số đoạn tuyến phải mở rộng đúng tiêu chuẩn cao tốc", Thủ tướng cho biết.
Trong phát triển công nghiệp, Thủ tướng đặc biệt lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào khai thác.
Tinh thần chung là quy định khi ban hành phải đi vào cuộc sống, tạo động lực, tháo gỡ được điểm nghẽn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, theo lời Thủ tướng.
Với thị trường, người đứng đầu Chính phủ nêu yêu cầu tăng cường quản lý các mặt hàng nổi lên như giá vàng, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho người dân.
Một giải pháp quan trọng khác được lãnh đạo Chính phủ đề cập là chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1/7, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.