Những đêm trắng khoét núi mở đường, lấp hố bom trên 'tứ đại đỉnh đèo'
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 08:08, 04/05/2024
70 năm kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, những ký ức về trận chiến "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vẫn như thước phim quay chậm trong tâm trí Trung tá Nguyễn Trọng Áp (thôn 2 Thịnh Trị, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Ông Áp năm nay 90 tuổi, nhưng trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn. Hằng ngày, cựu chiến sĩ Điện Biên vẫn đạp xe đi thể dục và đọc sách báo. Mỗi dịp đến ngày tháng 5 lịch sử, ông lại bồi hồi nhớ về chiến trường năm xưa, nhớ những đêm thức trắng cùng đồng đội khoét núi, ngủ hầm, băng rừng, lội suối mở đường cho bộ đội ta chiến đấu.
Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, trước khi vào quân ngũ, ông Áp có tuổi thơ bất hạnh và thiếu thốn đủ bề. Năm ông vừa tròn 7 tuổi, mẹ sinh thêm em trai út. Chỉ 3 tháng sau ngày sinh, mẹ của ông đã qua đời vì một trận ốm nặng. Do thiếu sữa, nên vài tháng sau em trai út của ông Áp cũng mất.
"Chỉ chưa đầy một năm gia đình tôi mất đi hai người thân. Ngày mẹ mất, tôi cùng anh chị trong gia đình buồn vô cùng. Hoàn cảnh trước kia khó khăn, bố tôi phải chật vật nuôi cả gia đình. Tôi nhớ có những bữa ăn không đủ no, quần áo thiếu thốn, bố phải nhịn để dành cơm cho chúng tôi", ông Áp nhớ về tuổi thơ cơ cực.
Đến năm 1950, khi đó ông Áp 16 tuổi, người bố cũng qua đời vì bạo bệnh. Kể từ ngày bố mất, ông Áp ở với bà nội. Hoàn cảnh và tuổi thơ bất hạnh đã khiến chàng trai trẻ gan dạ và rắn rỏi hơn so với chúng bạn đồng trang lứa.
Ba năm sau ngày bố mất, khi địa phương tổ chức tuyển quân, ông Áp đã giấu bà nội đi đăng ký tình nguyện nhập ngũ. Lúc bấy giờ, phát hiện ông Áp trong nhóm trai làng đi khám nghĩa vụ, bác ruột của ông đã thông báo với bà nội nhằm ngăn cản không cho ông đi bộ đội. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, nguyện vọng của ông cũng được chấp nhận.
Sau đợt tuyển quân, ông Áp tham gia huấn luyện tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 11/1953, ông và 3 chiến sĩ cùng làng nhận lệnh tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Bắc. Đơn vị của ông thuộc Trung đoàn 151 Công binh, Sư đoàn Công - Pháo 351 (tức Đại đoàn 351) làm nhiệm vụ mở đường, lấp hố bom để đưa pháo cao xạ, vũ khí, đạn dược, lương thực lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Nhớ lại những ngày chiến đấu cam go, khốc liệt, người chiến sĩ Điện Biên như được trở về một thời trai trẻ, giọng ông hào hùng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên nhất cuộc đời.
"Điện Biên lúc bấy giờ như một lòng chảo. Những người lính công binh như chúng tôi không trực tiếp ở trung tâm trận chiến nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng. Để bộ đội, dân công hỏa tuyến của ta vận chuyển lương thực, xe pháo, đạn dược vào chiến trường, chúng tôi phải ngày đêm khoét núi, làm các con đường xuyên rừng, đèo, núi", ông Áp kể.
Khoảng tháng 11/1953, khi đơn vị của ông Áp vừa đến đèo cây số 6 (thuộc thị xã Sơn La), quân Pháp liên tục nã đạn, dội bom nổ chậm vào các tuyến đường tiếp vận của ta. Để các con đường không bị gián đoạn, ông Áp cùng đồng đội được giao nhiệm vụ vừa mở đường, vừa lấp hố bom.
Trong thời gian ở đèo cây số 6, không ít lần ông đối diện với lằn ranh sinh tử, bom nổ chậm của quân địch tàn phá ác liệt. "Khoảng 22h, chúng tôi đang lấp hố bom, sửa đường, bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra. Sau tiếng ầm, cả 2 tiểu đội bị đất đá đè, vùi lấp, tôi cũng choáng váng, bị thương. Lúc đó có anh Trung, Tiểu đội trưởng hy sinh dưới lớp đất đá và một đồng đội khác bị hy sinh do đá văng trúng người", ông Áp buồn rầu khi nhắc lại giây phút chứng kiến đồng đội hy sinh ở chiến trường.
Sau nhiều ngày ở đèo cây số 6, đơn vị ông Áp tiếp tục hành quân đến khu vực đèo cây số 18 (huyện Thuận Châu, Sơn La). Đến tháng 12/1953, ông cùng đồng đội có mặt tại dốc đèo Pha Đin và đóng quân tại đây, làm nhiệm vụ mở đường cho quân ta đưa pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ.
Thời điểm đó, đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch để tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, quân Pháp liên tục dùng không quân đánh phá vô cùng ác liệt, mỗi ngày chúng thả hàng trăm quả bom napan, bom nổ chậm để phá vỡ trọng điểm giao thông này của ta.
"Đèo Pha Đin như "túi bom", những quả bom nổ chậm liên tục được quân địch rải xuống để chặt đường tiếp vận của ta. Có ngày chúng rải hàng trăm quả bom nổ chậm, nhiều tuyến giao thông bị chặt đứt. Chúng tôi vừa lấp được hố bom này, chúng lại bắn phá ở chỗ khác", ông Áp nói.
Trong trí nhớ của ông Áp, dù bị quân địch đánh phá ác liệt, nhưng với quyết tâm giữ mạch máu giao thông, các đại đội công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng vượt qua bom đạn. Tất cả lao động hết mình, kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, rà phá bom mìn để thông xe, chi viện kịp thời cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Khó khăn nhất là thời điểm làm đường để pháo binh kéo pháo cao xạ vào chiến tuyến. Sau những trận mưa bom của quân địch, tuyến đèo lầy lội, trơn trượt. Những lúc như vậy chúng tôi phải chặt cây rừng lót đường kéo pháo. Do ban ngày quân địch dùng máy bay thả bom liên tục nên công việc chủ yếu làm vào ban đêm. Có những hôm, anh em phải xuyên đêm vá đường, lấp hố bom để giao thông được thông suốt", ông Áp kể.
Quá trình hành quân mở đường, những người lính công binh như ông Áp trải qua muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, giữa nơi rừng sâu thăm thẳm, có những hôm ông và đồng đội làm đường đến quên ăn, quên ngủ.
"Ở giai đoạn đó, chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng vì trận chiến. Giữa nơi rừng sâu, mọi người phải đối diện với những thiếu thốn trong ăn uống, sinh hoạt. Có những hôm ăn măng rừng thay cơm, rải lá rừng để ngủ", ông Áp tâm sự.
Song song với nhiệm vụ làm đường vận chuyển pháo cao xạ, đơn vị ông Áp còn được giao nhiệm vụ làm hàng trăm km hào giao thông, công sự để triển khai pháo, tạo thế trận bao vây lòng chảo Điện Biên Phủ.
Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tác chiến, lực lượng công binh và dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong được huy động tối đa. Nhiều hôm mưa rừng lầy lội, nhưng các chiến sĩ công binh vẫn miệt mài đào hầm hào, tranh thủ từng giờ để kịp tiến độ được giao.
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời, ông Áp cho biết đó là thời khắc nghe tin quân địch rút khỏi sân bay Mường Thanh.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, đơn vị ông Áp tiếp tục ở lại chiến trường để bảo vệ cho pháo binh và dân công hỏa tuyến về xuôi. Sau đó ông được chuyển về Trung đoàn 219. Từ năm 1959 đến năm 1963, ông Áp học tại Trường Sỹ quan Lục Quân rồi công tác tại Sư đoàn 350, làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Đến cuối năm 1968, ông Áp lập gia đình và làm giáo viên tại trường Quân sự Quân khu Tả Ngạn ở Hải Dương (sau này là Quân khu 3). Công tác tại đây 22 năm, ông về quê làm Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang vào năm 1994 rồi về hưu.
Suốt hàng chục năm trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, ông luôn nỗ lực cố gắng để phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức về trận đánh lịch sử vẫn còn in đậm sâu trong tâm trí của người lính già. Ông luôn mong muốn thế hệ trẻ hôm nay đừng quên những năm tháng gian lao mà cha ông đã hy sinh mới có được.