Tinh thần kỷ luật giúp Đức vươn lên trở thành cường quốc
Tin thế giới - Ngày đăng : 05:30, 04/05/2024
Nhiều quốc gia trên thế giới đã vươn lên đạt được những thành tựu nổi bật, trở thành đất nước phát triển, thậm chí là cường quốc nhờ tinh thần dân tộc mạnh mẽ. VietNamNet xin giới thiệu tới quý độc giả một số quốc gia thành công nhờ tinh thần như vậy.
Bài 1: Tinh thần hiếu học làm nên thành công cho dân tộc Do Thái
Bài 2: Tinh thần tập thể và sự chỉn chu giúp Nhật Bản đứng dậy sau Thế chiến
Theo DW, sau khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, nước Đức bị chia cắt thành Tây Đức và Đông Đức, đồng thời lâm vào tình trạng kiệt quệ. Hầu hết những người trong độ tuổi lao động của Đức đều đã thiệt mạng hoặc bị tàn phế vì chiến tranh, nền kinh tế sụp đổ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp sụt giảm nghiệp trọng.
Mọi thứ ở thời điểm đó tưởng như đã đi vào ngõ cụt, nhưng "Phép màu Kinh tế Đức" (Wirtschaftswunder) những năm 1950 đã giúp quốc gia này đứng dậy từ đống tro tàn. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Đức đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu.
Trên thực tế, không có phép màu nào đem lại những thành công này, tất cả đều đến từ tinh thần kỷ luật và chủ nghĩa hoàn hảo của người dân Đức.
Trong giai đoạn 1950-1965, nền kinh tế Tây Đức được xây dựng dựa trên chủ nghĩa tư bản đã có những tiến bộ vượt bậc, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 11% xuống 0,7%. Tới đầu năm 1960, sản lượng công nghiệp ở Tây Đức đã tăng gấp 4 lần so với một thập kỷ trước.
Tại Đông Đức, tình hình không được khả quan như vậy, nhưng mọi chuyện đã trở lại đúng quỹ đạo sau khi bức tường Berlin sụp đổ, và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức được thành lập.
Kể từ thời điểm này, đời sống chính trị-xã hội- kinh tế của Đức nhanh chóng trở nên ổn định, và Đức bắt đầu khẳng định vị thế của một cường quốc hàng đầu châu Âu.
Ngoài những cải cách và chính sách từ chính phủ, tinh thần kỷ luật của người lao động Đức là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới sự phục hồi thần tốc. Trong những năm 1960, Đức sở hữu một lượng lớn lao động lành nghề, bao gồm lao động di cư từ các nước châu Âu.
Phong cách kỷ luật của người Đức thể hiện rõ trong thời kỳ này, khi họ tuân thủ tuyệt đối việc đến đúng giờ, tập trung hoàn toàn vào công việc. Điều này khiến cho năng suất làm việc của Đức luôn ở mức cao, dù thời gian làm việc trung bình thấp hơn các quốc gia phát triển khác.
Bên cạnh tinh thần kỷ luật, chủ nghĩa hoàn hảo đã giúp người Đức tạo ra những sản phẩm có công nghệ vượt trội, tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ. Từ máy móc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng cho tới đồ thể thao, mọi sản phẩm "Made in Germany" đều được đón nhận nồng nhiệt trên thế giới. Đây là nguyên nhân giúp Đức sở hữu những thương hiệu hàng đầu như Bosch, Audi, Mescedes, Adidas,...
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nước Đức vẫn đang duy trì được vị thế của mình tại châu Âu và trên trường thế giới, nhờ vào tinh thần kỷ luật được truyền lại qua từng thế hệ.