Chữa lành chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:04, 03/05/2024

Các chuyên gia đánh giá, từ khóa “chữa lành” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người những ngày qua. Dưới góc độ tâm lý, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng vì giới trẻ ngày càng đối mặt với nhiều áp lực vô hình từ bên ngoài.
Chữa lành chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần
Chị Trang trong chuyến du lịch "chữa lành" của mình. Ảnh: NVCC

Muôn kiểu “chữa lành” được nhiều người thực hiện trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, trong đó có chị Lê Cát Trang (quận Phú Nhuận, TPHCM).

Chị Trang chia sẻ, mọi năm, mỗi lần đến dịp nghỉ lễ hoặc được nghỉ dài ngày, chị sẽ đặt lịch về quê thăm gia đình, bạn bè, nhưng năm nay được đồng nghiệp rủ nên chị quyết định dành 5 ngày nghỉ lễ vừa qua để đi “chữa lành”.

Nói là “chữa lành”, nhưng đó cũng như các chuyến du lịch ngắn ngày chị đã từng đi, điểm đặc biệt hơn thay vì đi những địa điểm tham quan, trải nghiệm văn hóa vùng miền khác thì chị và bạn lại ở một homestay cách xa thành phố đông người hàng chục km.

“Hai ngày đầu ở đó, tôi cảm thấy rất thoải mái đầu óc, mọi thứ vẫn trôi đi nhẹ nhàng như đúng tưởng tượng của tôi. Nhưng tới ngày thứ 3, tôi bắt đầu chán vì ở đây ngoài căn nhà, cây cối thì không còn gì để mình tương tác tìm hiểu.

Đọc trên nhiều diễn đàn du lịch, tôi thấy có rất nhiều bạn đã bỏ công việc hiện tại để đến một nơi không ai biết và bắt đầu cuộc sống ở đó, nhưng qua trải nghiệm ngắn lần này, tôi cũng phải nhìn sâu hơn, nghĩ xa hơn”, chị Trang chia sẻ.

Câu chuyện “chữa lành” vì những rắc rối, căng thẳng trong cuộc sống và công việc thì không khó để bắt gặp trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm ra cho mình đúng phương hướng để cân bằng cuộc sống, cảm xúc.

Thạc sĩ tâm lý Trần Văn Trọng - Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, thời gian gần đây, tại bệnh viện, số người trẻ đến khám tâm lý tăng gấp 2 lần so với trước. "Mỗi ca khám tâm lý thường rơi vào khoảng hơn 1 giờ, trung bình trước đây chỉ khoảng 1-2 ca/ngày, nhưng hiện khoa tiếp nhận 5-6 ca/ngày. Song song đó, nhiều người bệnh còn đến khám tâm thần kinh với số lượng khoảng 30-40 ca/ngày. Những đối tượng này thông thường sẽ phải dùng thuốc vì bệnh liên quan đến thể chất như mất ngủ, suy kiệt…" - thạc sĩ Trọng chia sẻ.

Theo ông Trọng, Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa, một con người khỏe mạnh là bao gồm khỏe về thể chất, tâm lý và xã hội. Nếu 1 trong 3 yếu tố trên gặp trục trặc thì được xem cá nhân đó không khỏe mạnh.

Theo tháp nhu cầu Maslow, con người có 5 nhu cầu chính gồm sinh lý (ăn, mặc, ở…), an toàn, xã hội, tôn trọng và thể hiện.

Các thế hệ từ 7x, 8x thường nằm trong nhu cầu sinh lý vì đó là thời điểm khó khăn nên con người thường có xu hướng tâm lý bảo đảm được nhu cầu ăn, mặc, ở.

Thông thường những người thuộc thế hệ này, khi họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng dễ dàng vượt qua.

Sau đó, đến thế hệ 9x, khi nhu cần ăn, mặc, ở được đáp ứng, họ có xu hướng tìm sự an toàn. Đến thế hệ hiện tại 2x hay còn gọi là gen Z - hai nhu cầu trên đã được đáp ứng thì họ cần có sự yêu thương.

"Đặc biệt, với các bạn khoảng 24-25 tuổi, đây là giai đoạn người trẻ mới trưởng thành, từ môi trường sinh viên, trở thành người đi làm sẽ phải đối mặt với khó khăn trong công việc, các mối quan hệ xã hội…, nếu không vượt qua được sẽ khiến bản thân họ tổn thương" - thạc sĩ Trọng phân tích thêm.

Theo các chuyên gia, để tránh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cần thường luyện tập thể dục, thể thao như đi bộ, đánh cầu lông, bóng bàn; dành thời gian chăm sóc gia đình, người thân... bởi mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc.

NGUYỄN LY