Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan xúc động tại 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên'
Dòng chảy - Ngày đăng : 10:52, 03/05/2024
Tối 2/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Chương trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thông qua các tác phẩm, đêm nhạc nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, đồng thời tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Với sự tham gia của 300 nghệ sĩ, Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên là chương trình có nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc về Điện Biên Phủ được viết ngay trên chiến trường hoặc giai đoạn sau này cũng được phối khí mới cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, dàn nhạc kèn biểu diễn.
Chia sẻ tại sự kiện, Tiến sĩ Lê Y Linh - tác giả kịch bản chương trình - cho biết, đây là chương trình nghệ thuật hiếm hoi trong thời điểm này biểu diễn các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc viết về Điện Biên Phủ của các nhạc sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
"Khán giả lần giở lại một trang trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đồng thời mang một thông điệp nghệ thuật của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam tới công chúng ngày hôm nay. Nhưng trên hết, chương trình sẽ thêm một lần nữa khẳng định: Tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật", Tiến sĩ Lê Y Linh cho hay.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt gồm hai phần: Phần 1 với chủ đề Chiến thắng, được mở đầu bằng tác phẩm Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, qua sự biểu diễn của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi - con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, Tiến quân ca được ông phối khí cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng 4 bè, đồng thời là bản hoàn chỉnh nhất, có sự cân bằng giữa giai điệu và phần hòa thanh, phần đệm và bè trầm… nhằm tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Tiếp đó không khí chiến thắng sẽ được tái hiện qua các tác phẩm: Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Ở phần 1, khán giả cũng được thưởng thức bài hát Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Văn Chung do ca sĩ Đào Tố Loan biểu diễn. Nữ ca sĩ xúc động khi biểu diễn cùng dàn nhạc bài hát này.
Tiếp đó, khán giả cũng gặp lại ca sĩ Phạm Thu Hà - "họa mi bán cổ điển" với ca khúc quen thuộc Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Tốp ca nam Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng tái xuất với ca khúc Bác đang cùng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục.
Phần II có chủ đề Hồi tưởng, thông qua các tác phẩm khí nhạc đã truyền tải thông điệp về Điện Biên Phủ - biểu tượng của một đất nước Việt Nam độc lập, làm chủ vận mệnh của mình trên con đường hội nhập và phát triển cùng thế giới.
Đặc biệt, trong chương trình, người yêu âm nhạc được thưởng thức bài hát Mừng chiến thắng Tây Bắc với nhiều sự mới lạ. Đây là tác phẩm đạt giải Nhì tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất (năm 1954), của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, nhà soạn nhạc tài năng đến từ Macedonia - Diran Tavityan đã viết bản Fantasie (phóng tác) trên chủ đề Mừng chiến thắng Tây Bắc cho piano và dàn nhạc, như một lời cảm kích trước lịch sử và con người của dân tộc Việt Nam. Biểu diễn tác phẩm này là nữ nghệ sĩ piano tài năng Bích Trà - con gái của NSND Trà Giang.
Ngoài ra, khán giả còn có dịp thưởng thức tác phẩm Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Người chiến sĩ ấy - nhạc sĩ Hoàng Vân.
Cuối chương trình là bản giao hưởng - hợp xướng Điện Biên Phủ gồm 4 chương của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Cùng với chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên, tại Nhà hát Hồ Gươm, Ban Tổ chức triển lãm khoảng 20 tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Đây là các tác phẩm được ông vẽ trong những tháng ngày cùng các họa sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, các ký họa của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động. Khả năng tạo hình của ông bắt kịp vẻ đẹp của người lính Điện Biên, của anh Bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau.
Vì vậy, bộ ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian.