Đám cưới đặc biệt trong hầm Đờ Cát ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:00, 03/05/2024
Đó là khung cảnh của đám cưới đặc biệt ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại hầm Đờ Cát, khi mùi thuốc súng còn chưa tan.
Trong đám cưới ấy, cô dâu là nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và chú rể là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh. Cũng kể từ đó, “cô dâu Điện Biên" là tên gọi thân thương được mọi người đặt cho GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản.
Ngày trở lại
Trong những ngày cả nước đang hướng về lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, "cô dâu Điện Biên" Nguyễn Thị Ngọc Toản đã trở lại thăm chiến trường xưa và hôn trường cũ để ôn lại những kỷ niệm đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng...
Dù đã 94 tuổi, tóc bạc, mắt mờ và phải dùng xe lăn để di chuyển nhưng bà Toản vẫn vượt hành trình dài từ thành phố mang tên Bác về với mảnh đất Điện Biên anh hùng.
Trở lại nơi đây, bà đã đến thắp hương cho những đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Đôi bàn tay thoăn thoắt chăm sóc các thương binh ngày nào nay đã run rẩy theo năm tháng. Đôi mắt bà mờ nhòe, nhạt nhòa hai hàng lệ trên gò má vì thương nhớ đồng đội đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1, bà Toản chia sẻ: “Về thăm lại chiến trường xưa, tôi rất nhớ những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ”.
Ông Cao Quý Bảo, con trai của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, cho biết: “Dù sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng mẹ tôi luôn ước muốn được một lần nữa trở lại Điện Biên.
Vậy nên trong dịp đặc biệt chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình đã cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Ý nghĩa hơn nữa là mẹ tôi đặt chân thăm lại chiến trường xưa đúng ngày sinh nhật 94 tuổi nên bà càng vui và xúc động”.
Hôn trường đặc biệt
Ở mảnh đất này, dưới cái nắng hanh khô pha gió Lào của vùng Tây Bắc, đâu đó còn vương lại những nhành hoa ban cuối mùa, bao ký ức một thời lại ùa về trong tâm trí người nữ quân y năm xưa.
Bà Toản đã tới thăm lại hôn trường xưa của mình và chồng là ông Cao Văn Khánh (sau này ông là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam).
“Cuối năm 1953, trước khi hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Khánh lên gặp tôi ở Tuyên Quang. Khi chia tay, chúng tôi hẹn ngày chiến thắng sẽ làm đám cưới. May mắn sau đó, tôi cũng được ra mặt trận phục vụ chiến đấu tại Điện Biên”, bà Toản kể lại.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bà Toản đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh và gặp lại ông Khánh. Họ dự định sẽ về chiến khu Việt Bắc tổ chức hôn lễ khi chiến tranh kết thúc.
Thế nhưng sau khi thắng trận, đơn vị của ông Khánh được lệnh ở lại trao trả tù binh, thu dọn chiến trường, còn bà Toản cũng nhận nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Do đó, ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới của họ không thành.
Lúc này, các đồng đội và đặc biệt là ông Trần Lương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã động viên cặp đôi làm đám cưới tại chiến trường. Vì vậy, ông Khánh và bà Toản quyết định xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới ngay ở hầm chỉ huy Đờ Cát.
“Ngày 22/5/1954, ngay trong hầm chỉ huy Đờ Cát, lễ cưới của chúng tôi được tổ chức”, bà Toản nhớ lại.
Theo bà Toản, tất cả mọi thứ trong lễ cưới đều chuẩn bị đơn giản. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục, cô dâu vuốt lại mái tóc cho gọn gàng. Khách mời khoảng 40 - 50 người.
Hôn trường căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách của quân địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ - 22/5/1954”. Phần tiệc có sâm panh và bánh kẹo là chiến lợi phẩm thu được từ quân Pháp.
“Bên nhà gái là các cán bộ quân y, nhà trai là cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường. Giản đơn nhưng đám cưới ngập tràn những nụ cười và lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận”, bà Toản bồi hồi nhớ lại.
70 năm trôi qua, câu chuyện tình yêu và đám cưới tại hầm Đờ Cát của nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh vẫn thường được cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên của Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Trên chiến trường vừa dứt tiếng bom đạn, vẫn vương mùi thuốc súng và tàn tích chiến tranh, một lễ cưới giản dị đã diễn ra như một minh chứng cho sự khởi đầu mới - hòa bình, hạnh phúc trên mảnh đất này.