Những đại gia Việt ngồi yên cũng thu về hàng trăm tỷ tiền mặt
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:44, 03/05/2024
Tiền gửi ngân hàng gia tăng
Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với điểm đáng chú ý: lượng tiền mặt của doanh nghiệp này rất lớn, lên tới hơn 42.600 tỷ đồng (tương đương gần 1,7 tỷ USD), trong đó phần lớn gửi ngân hàng.
Lượng tiền mặt và khoản tương đương tiền mà PV Gas nắm giữ tính tới cuối tháng 3 tăng gần 1.900 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2024, chiếm hơn 46% tổng tài sản của doanh nghiệp này.
Khoản tiền gửi ngân hàng trong quý I rất lớn, giúp PV Gas thu về hơn 4,8 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Trong 3 tháng đầu năm, PV Gas có hơn 436 tỷ đồng do ngân hàng trả cho khoản tiền gửi nói trên.
Tuy nhiên, do lãi suất xuống thấp nên tiền lãi trên thực tế giảm khi cùng kỳ năm trước đạt gần 480 tỷ đồng (quý I/2023), dù lượng tiền mặt và khoản tương đương tiền mà PV Gas nắm giữ gia tăng khá mạnh.
Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận quý I/2024 của PV Gas giảm 25% so với cùng kỳ.
Từ nhiều năm nay, PV Gas thuộc top các doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Điều đó cho thấy "sức khỏe tài chính" của doanh nghiệp ngành dầu khí này tốt nhưng tình hình kinh doanh có thể không khởi sắc như mong đợi.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được xem là quán quân với hơn 103.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chưa tính tới gần 105.274 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ở mục dài hạn tính tới cuối quý I/2024. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động trong ngành bảo hiểm, luôn có lượng tiền lớn.
Trong quý I/2024, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng có lượng tiền mặt rất lớn, đạt ngưỡng tỷ USD.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tới cuối quý I/2024 ghi nhận có lượng tiền và các khoản tương đương tiền lên tới 26.600 tỷ đồng, trong đó hơn 2.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và gần 24.000 tỷ đồng gửi ngắn hạn từ 3 tháng tới 1 năm.
Trong quý I, ACV thu từ tiền lãi gửi ngân hàng đạt 345 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ một phần cũng do lãi suất tiền gửi giảm. Dù vậy, nhờ doanh thu tăng khá mạnh do thị trường hàng không hồi phục và chi phí tài chính giảm sâu, nên lợi nhuận của doanh nghiệp quản lý 22 sân bay tại Việt Nam tăng 1,8 lần, lên hơn 2.920 tỷ đồng.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo có hơn 39.800 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD) tiền mặt, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, tăng mạnh so với mức 25.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2023.
Ông lớn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền tới cuối quý I/2024 đạt gần 34.700 tỷ đồng, tăng 270 tỷ đồng so với đầu năm. Thế nhưng, lãi từ tiền gửi giảm hơn 20%, xuống còn 422 tỷ đồng.
Nhiều "ông lớn" cũng ghi nhận lượng tiền gửi tại ngân hàng và đầu tư vào trái phiếu ở mức rất cao. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài với hơn 29.300 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng của đại gia ngành bia Sabeco (SAB) cuối quý I/2024 tăng 5,2% so với cùng kỳ, lên gần 21.410 tỷ đồng, nhưng lãi thu về 273 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình có lượng tiền gửi tới cuối quý I đạt hơn 24.500 tỷ đồng nhưng lãi giảm 15% so với cùng kỳ.
Nhóm bất động sản suy giảm
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận lượng tiền mặt lớn gồm: Petrolimex (PLX), PV OIL (OIL), PTSC (PVS), Vinhomes (VHM),... Tổng cộng, 15 doanh nghiệp đứng đầu "ôm" khoảng 18 tỷ USD tiền mặt, trong đó nhiều "ông lớn" nắm giữ hơn 1 tỷ USD mỗi doanh nghiệp.
Có thể thấy, những doanh nghiệp nhiều tiền nhất trên sàn chứng khoán và ghi nhận sự tăng trưởng chủ yếu thuộc nhóm dầu khí, bán lẻ và tài chính. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tiền mặt suy giảm.
Tới cuối quý I/2024, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo cáo lượng tiền, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt hơn 31.000 tỷ đồng, giảm so với mức gần 35.000 tỷ đồng hồi đầu năm.
CTCP Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) ghi nhận lượng tiền, các khoản tương đương tiền và khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (cuối tháng 3/2024) đạt hơn 3.170 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2023 là hơn 3.400 tỷ đồng, theo báo cáo kiểm toán. Con số này khá khiêm tốn so với một tập đoàn bất động sản lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý là NVL bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận tồn kho tăng. Novaland báo tới cuối quý I có tồn kho đạt gần 141 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), tăng so với mức gần 139 nghìn tỷ đồng hồi cuối năm 2023. Vingroup cũng ghi nhận tồn kho tăng từ mức 92.600 tỷ đồng (cuối 2023) lên gần 99.347 tỷ đồng (cuối tháng 3/2024).
Nếu như nửa đầu năm 2023, lượng tiền mặt khổng lồ của các doanh nghiệp mang lại khoản tiền lãi rất lớn khi lãi suất còn cao thì từ cuối năm ngoái đến hết quý I/2024 tình hình đã đổi khác. Lãi suất giảm khiến việc gửi tiền không còn giúp các ông lớn “ngồi không” cũng kiếm đậm nữa.
Dù vậy, thực tế cho thấy, lượng tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp không những không giảm khi lãi suất xuống thấp kỷ lục mà còn gia tăng.
Nền kinh tế chưa có dấu hiệu bứt phá có thể là yếu tố dẫn tới tình trạng này.
Lượng tiền mặt lớn cho thấy tiềm lực tài chính mạnh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự gia tăng tiền mặt cũng cho thấy sự không sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp, hoặc/và không có nhiều cơ hội kinh doanh đầu tư khi lãi suất đang ở vùng thấp nhất trong 2 thập kỷ qua.