Sống chung với hạn, mặn

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:37, 02/05/2024

Bước sang tháng 5-2024, miền Tây Nam bộ vẫn nắng như đổ lửa, khô hạn, nước mặn xâm nhập tiếp tục là nỗi ám ảnh của nhiều người dân vùng ven biển.
Sống chung với hạn, mặn

Một số hội thảo, hội nghị đã diễn ra để tìm giải pháp giúp người dân chung sống với hạn mặn, trong đó nhiều ý kiến cho rằng cần phát huy kỹ năng bản địa của người dân. Bao đời nay, những câu nói cửa miệng như “năm nhuận tháng hạn” là đúc kết từ kinh nghiệm sống của của những người đi trước. Thế nhưng có ý kiến cho rằng, người dân miền Tây đã từng có giải pháp “chung sống với lũ” giờ là câu chuyện thích nghi “chung sống với hạn, mặn”

Thật ra, nông dân miền Tây đã biết cách thích nghi với hạn, mặn trước khi thích nghi chung sống với lũ. Mùa lũ ở ĐBSCL trước đây là mùa nước nổi với nhiều lợi ích, chỉ khi nước dâng cao bất thường mới gây thiệt hại. Chẳng hạn như sản xuất, dù chính quyền địa phương chỉ đạo xuống giống vụ đông xuân trước ngày 31-12, nhưng nhiều vùng, ngay giữa tháng 11 đã xuống giống.

Điều này cho thấy người dân đã nhận thức được những tác động tiêu cực liên quan đến đến sinh kế và thu nhập nên họ chủ động. Mặn đến sớm hơn và kéo dài hơn ở miền Tây, nhất là khi có El Nino. Người dân đã chủ động như trữ nước mưa trong lu hoặc nạo vét ao, lót bạt để trữ nước ngọt.

Câu chuyện hạn, mặn là chuyện dài của miền Tây. Càng ngày, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ càng nhiều hơn. Miền Tây cũng chính là vùng đất dễ tổn thương từ các tác động khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở, sụp lún và nước biển dâng.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh, “biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.

Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”. Đây là quan điểm thuận thiên rất rõ ràng, để người dân sống chung với hạn, mặn.