Hàn Quốc đàm phán gia nhập thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, Anh, Australia
Tin thế giới - Ngày đăng : 16:01, 01/05/2024
Được thành lập vào năm 2021, AUKUS là một hiệp ước an ninh gồm hai giai đoạn, do Mỹ, Anh và Australia sáng lập nhằm ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong khi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận nhằm cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia chỉ giới hạn ở bộ 3 nước cốt lõi, họ đã làm tăng khả năng cho phép các quốc gia khác tham gia hiệp ước ở giai đoạn thứ hai - “Trụ cột 2”, nhằm mục đích chia sẻ những công nghệ quân sự khác.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay (1/5) sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Australia và Hàn Quốc tại Melbourne, ông Shin tuyên bố, Hàn Quốc có thể đóng góp cho giai đoạn thứ hai đó bằng năng lực quốc phòng, khoa học và công nghệ của mình.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ: “Trong các cuộc gặp hôm nay, chúng tôi cũng thảo luận về khả năng hợp tác với AUKUS Trụ cột 2. Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của AUKUS Trụ cột 2 và chúng tôi hoan nghênh việc các thành viên coi Hàn Quốc là đối tác của hiệp ước”.
Ngoài Canada, New Zealand và Nhật Bản, với mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, Hàn Quốc từ lâu đã được coi là đối tác tiềm năng của AUKUS Trụ cột 2.
Cách đây chưa đầy một tháng, các nước thành viên AUKUS thông báo đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án quốc phòng nhất định ở Trụ cột 2 và sẽ tổ chức các cuộc thương lượng về sự tham gia của nước này trong năm nay.
Trung Quốc đã cực lực phản đối liên minh quân sự mới. Trong tháng này, Bắc Kinh thậm chí cảnh báo việc AUKUS kết nạp thêm thành viên sẽ gây mất ổn định khu vực.
Theo Reuters, việc mở rộng hiệp ước cũng phải đối mặt với những rào cản từ các hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ đối với việc chia sẻ công nghệ. Australia và Anh lo ngại điều này có thể cản trở thỏa thuận nếu quá trình kết nạp thành viên mới diễn ra quá nhanh.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/4 đã công bố kế hoạch nới lỏng những hạn chế trước đây và khiến việc chuyển giao thiết bị quân sự cũng như công nghệ nhạy cảm sang Anh và Australia trở nên dễ dàng hơn.