Đồng hồ của người giàu nhất thế giới trên tàu Titanic đạt giá 1,5 triệu USD
Dòng chảy - Ngày đăng : 15:03, 29/04/2024
Vào thứ 7 vừa qua, chiếc đồng hồ vàng từng được tìm thấy trên thi thể người đàn ông giàu nhất thế giới có mặt trên chuyến tàu Titanic đã được đem ra rao bán đấu giá, đạt mức giá 1,5 triệu USD.
Chiếc đồng hồ đã được bán cho một nhà sưu tập ẩn danh đến từ Mỹ. Phiên đấu giá do nhà đấu giá Henry Aldridge & Son tổ chức tại Devizes, Wiltshire, Anh.
Hiện tại, mức giá trả cho chiếc đồng hồ đã phá vỡ kỷ lục về giá được trả cho một kỷ vật liên quan tới con tàu bi kịch Titanic. Trước đây, kỷ lục này từng thuộc về chiếc đàn violin được nhạc công chơi trên tàu Titanic, khi con tàu chìm dần xuống đại dương. Chiếc đàn từng được bán ra với giá gần 1,4 triệu USD.
Chiếc đồng hồ vàng ban đầu được kỳ vọng đạt mức giá 150.000 bảng (gần 5 tỷ đồng). Chiếc đồng hồ này vốn thuộc sở hữu của doanh nhân người Mỹ John Jacob Astor. Khi bước lên tàu Titanic, ông Astor có khối tài sản vào khoảng 150 triệu USD, tương đương với 3,5 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Ông Astor được cho là người giàu nhất thế giới tại thời điểm bấy giờ. Ông đã qua đời trong vụ chìm tàu Titanic hồi năm 1912. Khi qua đời, ông Astor ở tuổi 47.
Thi thể của ông Astor được tìm thấy ở thời điểm 7 ngày sau khi xảy ra vụ chìm tàu. Người ta nhận diện được thi thể của ông nhờ vào bộ suit có thêu chữ viết tắt tên của ông. Chiếc đồng hồ vàng của ông được tìm thấy trong túi áo vest và cũng có những chữ cái viết tắt tên ông được khắc trên vỏ đồng hồ. Chiếc đồng hồ sau đó đã được gửi tới cho một người con trai của ông Astor.
Chiếc đồng hồ dừng lại ở thời khắc 2h20. Đây là thời khắc mà tàu Titanic chìm xuống đáy Đại Tây Dương. Con trai của ông John Jacob Astor - Vincent Astor - là người được nhận chiếc đồng hồ và đã đem chiếc đồng hồ đi sửa, sau đó sử dụng chiếc đồng hồ cho tới năm 1935 rồi tặng lại cho một người con trai đỡ đầu có tên William Dobbyn.
Chiếc đồng hồ đã được một đơn vị sưu tập các kỷ vật về tàu Titanic mua lại từ gia đình Dobbyn trong thập niên 1990. Kể từ đó, chiếc đồng hồ đã được trưng bày ở nhiều viện bảo tàng trên thế giới.
Thực tế, khi có mặt trên tàu Titanic, ông Astor vừa kết thúc tuần trăng mật với người vợ trẻ - cô Madeleine (18 tuổi). Cuộc hôn nhân của họ gây nhiều tranh cãi trong giới thượng lưu tại New York (Mỹ) thời bấy giờ, bởi ông Astor đã ly hôn với người vợ gắn bó lâu năm, để nhanh chóng đến với một cô gái trẻ.
Để tránh xa những lùm xùm, tai tiếng, cặp đôi mới cưới đã lựa chọn đi nghỉ tuần trăng mật dài ngày tại châu Âu và châu Phi. Sau khi tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi trong đêm 14/4/1912, ông Astor thoạt tiên không nghĩ vấn đề này là nghiêm trọng. Sau đó, ông đã được thuyền trưởng của tàu Titanic đích thân tới xác nhận về mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Sau khi đã đưa người vợ trẻ đang mang thai ở tháng thứ 5 lên thuyền cứu hộ, ông Astor cùng với các triệu phú khác có mặt trên tàu Titanic như Isador Strauss và Benjamin Guggenheim đều phải chấp nhận kết cục bi kịch đến với mình, vì không đủ thuyền cứu hộ cho tất cả hành khách có mặt trên tàu Titanic.