Bác sĩ gần 20 năm giành sự sống cho những bệnh nhân bỏng thập tử nhất sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:10, 29/04/2024
Đầu năm 2024, hai anh em Nguyễn Dương và Nguyễn Huy (quê Nam Định) được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng quấn chăn kín người. Cả 2 cùng bị bỏng lửa ga, Huy bị nhẹ hơn, còn Dương thở hắt, toàn thân đen, suy hô hấp, huyết áp tụt, nồng độ oxy trong máu không đo được.
Dương được chẩn đoán bỏng 76% diện tích cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng. “Không ai nghĩ cậu ấy sống được vì tình trạng bỏng quá nặng”, Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia nói.
Ngay khi tiếp nhận ca bỏng nặng, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp hồi sức chống sốc tích cực. Người bệnh qua cơn nguy kịch, ê kíp tiếp tục chuẩn bị dụng cụ cho ca phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ lớp da thịt hoại tử sớm, sau đó che phủ vùng da tổn thương bằng da tự thân, da đồng loại và các vật liệu khác.
Khi vết thương ổn định, bác sĩ sẽ ghép da tự thân cho người bệnh. “Trên cơ thể của người bệnh chỗ nào có da thì chúng tôi sẽ lấy để ghép. Trường hợp bệnh nhân Dương dự kiến phải mổ ghép da khoảng 10 lần”, bác sĩ Hùng nói.
Thông thường ca bỏng nặng phải điều trị khoảng 2-3 tháng, rất trường kỳ, luôn phải đối mặt với rất nhiều biến chứng, có thể tử vong. Bác sĩ luôn phải căng não, theo dõi sát sao người bệnh, kịp thời xử lý mọi vấn đề xảy ra bất ngờ. Các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bỏng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hoá.
Từ khi về công tác tại Bệnh viện Bỏng quốc gia (năm 2006) đến nay, bác sĩ Hùng cấp cứu hàng nghìn bệnh nhân bỏng thập tử nhất sinh, không ít người bỏng nặng bỏ mạng.
Theo bác sĩ Hùng, rất nhiều người nghĩ chỉ có những chấn thương như sọ não, ngực, ổ bụng, cột sống mới dễ chết, ít người chết vì bỏng ngoài da. Nhưng, tỷ lệ tử vong do bỏng nặng rất cao đến 60%, đặc biệt ở bệnh nhân bỏng sâu diện rộng và bỏng hô hấp.
Điều trị bệnh nhân bỏng sâu diện rộng rất khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian kéo dài, bệnh nhân rất đau đớn. Bác sĩ phải theo sát người bệnh từ khi vào viện đến lúc họ về nhà. Điều này khác hẳn với các ca chấn thương ngoại khoa, họ có thể ra viện chỉ trong một tuần. Bệnh nhân bỏng ra viện vẫn phải điều trị di chứng, bác sĩ tiếp tục hướng dẫn và tiếp tục đồng hành cùng họ.
Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng chia sẻ cùng phóng viên về những đặc thù trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân bỏng. (Ảnh: Như Loan)
Thông thường, các bác sĩ hồi sức chỉ có nhiệm vụ hồi sức bệnh nhân, nhưng ở Bệnh viện Bỏng quốc gia rất đặc thù, bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp kiêm công việc của phẫu thuật viên. Ê kíp làm tất cả mọi việc từ cấp cứu, hồi sức cho đến phẫu thuật, hậu phẫu.
“Các bác sĩ trong khoa rất bận, điều dưỡng đi trực không được ngồi lúc nào, còn tôi hầu như cả ngày trong phòng mổ”, bác sĩ Hùng nói.
Hiện, điều trị bỏng ở Việt Nam đã phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực. Nhiều phương pháp điều trị bỏng tiên tiến như cắt hoại tử ghép da sớm, ghép da tự thân kết hợp đồng loại trong một lần phẫu thuật, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi và khí dung điều trị bỏng hô hấp, nuôi cấy tế bào da tự thân điều trị người bỏng sâu diện rộng giúp tỷ lệ bệnh nhân hồi phục cao.
Điều bác sĩ Hùng trăn trở là làm sao đào tạo được một thế hệ bác sĩ kế cận điều trị bỏng tốt, khi xu hướng sinh viên y khoa chạy theo các chuyên ngành khác như thẩm mỹ.
Ở tuổi ngoài 50, bác sĩ Hùng vẫn làm song song giữa công tác khám chữa bệnh, điều trị cứu người và đào tạo ra thế hệ kế cận, tiếp nối, phát triển các kỹ thuật hồi sức cấp cứu mà ông đang làm. Nhìn những lứa học trò đang ngày càng trưởng thành và hoàn thiện về tay nghề, bác sĩ Hùng luôn tự hào, cảm thấy con đường mình đang đi là đúng đắn.
Bác sĩ Hùng luôn dạy học trò truyền nghề và phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với người bệnh. Thực tế các học trò của bác sĩ Hùng nay đã thực hiện được không ít ca mổ khó, giúp hồi sinh nhiều cuộc đời.