Gây dựng tiếng, chưa được miếng
Tin thế giới - Ngày đăng : 08:44, 28/04/2024
Lần thứ hai trong chưa đầy một năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc. Ông Blinken ở thăm Trung Quốc 3 ngày (từ 24 đến 26-4), có nghĩa là thời gian dài chứ không ngắn. Chuyến đi này tiếp nối nhiều động thái ngoại giao trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc, qua đó thể hiện mối quan hệ song phương này bớt băng giá.
Hồi tháng 11-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Mỹ. Vào đầu tháng này, bà Janet Yellen lần thứ hai tới Trung Quốc kể từ khi làm bộ trưởng tài chính Mỹ. Đến ngày 16-4, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau trực tuyến lần đầu tiên trong gần 2 năm nay.
Tuy nhiên, ông Blinken chưa lên đường thì đã có dấu hiệu chuyến đi không thể thành công, trong trường hợp tiêu chí đánh giá thành công là tạo chuyển biến cơ bản mới cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Nguyên do là phía Washington có động thái khiến Bắc Kinh không những không hài lòng mà tới đây còn trả đũa không kém phần quyết liệt. Đó là Tổng thống Biden ký ban hành đạo luật, trong đó cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan (Trung Quốc). Đạo luật này cũng buộc hãng ByteDance (Trung Quốc) chuyển quyền sở hữu mạng xã hội TikTok cho công ty Mỹ, nếu không TikTok sẽ bị cấm trên thị trường Mỹ.
Cả hai vấn đề trên đều rất nhạy cảm về đối nội đối với Bắc Kinh và gây tổn hại thể diện và uy thế của Trung Quốc trên thế giới. Một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu lại còn đồng loạt cáo buộc Trung Quốc hoạt động tình báo, gián điệp ở các nước này.
Nội dung các cuộc trao đổi giữa ông Blinken với phía Trung Quốc hoàn toàn không có gì mới. Quan điểm của hai bên về các khúc mắc cũng không có gì mới. Trong thực chất thì đâu vẫn vào đấy, giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Mỹ muốn nhiều ở Trung Quốc nhưng Trung Quốc còn chưa nguôi cơn giận mới thì làm sao có thể để ý đến những vọng cầu của đối phương? Do đó, điều đáng được chú ý hơn cả là sự ôn hòa trong phát ngôn của hai bên. Không bên nào trách cứ bên nào. Cả hai đều thể hiện thiện chí và quả quyết chỉ muốn hợp tác chứ không hề có ý đối đầu, muốn quan hệ song phương đi vào ổn định và cùng có lợi chứ không ganh đua, so bì thiệt hơn.
Những nội dung phát ngôn này không hề mới nhưng được thể hiện trong tông điệu hòa dịu hơn, qua đó cho thấy hai bên đều ý thức rất rõ rằng hiện tại và cả trong thời gian tới vẫn chưa thể khắc phục được các khúc mắc dai dẳng trong quan hệ song phương. Những nhu cầu đối nội ở cả hai phía vẫn chế ngự mối quan hệ song phương nên không thể loại trừ khả năng bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích tiếp tục gia tăng.
Vì thế, mục tiêu hàng đầu của cả hai bên bây giờ là giữ cầu tiếp xúc và trao đổi cấp cao trực tiếp để kiểm soát và quản trị diễn biến trong quan hệ song phương. Trung Quốc còn phải chuẩn bị cho thời gian sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Cho nên tuy thực chất chưa thể cải thiện nhưng tới đây hai bên vẫn tiếp xúc và trao đổi cấp cao.