Dấu ấn mới của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:52, 25/04/2024

Việc hãng đóng tàu HD Hyundai Heavy Industries (HD HHI) ký hợp đồng cung cấp 4 tàu chiến cho hải quân Peru được xem là dấu ấn mới của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.

Yonhap đưa tin, hợp đồng trị giá 640,6 tỷ won (khoảng 463 triệu USD) được HD HHI ký với hãng đóng tàu nhà nước SIMA của Peru trong một buổi lễ diễn ra tại thủ đô Lima mới đây dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Dina Boluarte.

Tờ Korea JoongAng Daily cho biết, HD HHI sẽ phụ trách về thiết kế, nguyên vật liệu và kỹ thuật trong khi SIMA sẽ chịu trách nhiệm đối với “các giai đoạn đóng tàu cuối cùng”. 4 tàu theo hợp đồng, gồm 1 tàu hộ vệ 3.400 tấn, 1 tàu tuần tra xa bờ 2.200 tấn, 2 tàu đổ bộ 1.500 tấn, dự kiến sẽ được bàn giao cho hải quân Peru vào năm 2030.

Theo trang mạng Defense News, 4 tàu nói trên là một phần trong chương trình hiện đại hóa hạm đội tàu chiến mặt nước đầy tham vọng của Peru. Chương trình trị giá hơn 3 tỷ USD dự kiến sẽ trang bị cho hải quân Peru 23 tàu chiến mới các loại.

Hãng đóng tàu HD HHI (Hàn Quốc) ký hợp đồng với Hãng đóng tàu SIMA (Peru) tại thủ đô Lima, tháng 4-2024. Ảnh: Yonhap 

Korea JoongAng Daily nhấn mạnh HD HHI đã vượt qua các doanh nghiệp Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan để giành được hợp đồng với SIMA. Đây là đơn hàng lớn nhất cho đến nay của một hãng đóng tàu Hàn Quốc với khu vực Mỹ Latin. Theo Defense News, với hợp đồng này, HD HHI đang mở rộng dấu ấn “tại một thị trường khu vực vốn do các doanh nghiệp châu Âu chiếm lĩnh”. “Chúng ta đã chứng kiến một cột mốc lịch sử khi SIMA ký hợp đồng với HD HHI về việc cung cấp 4 tàu cho hải quân Peru. Các tàu này sẽ cho phép hải quân Peru đẩy mạnh tuần tra chống tội phạm trên biển, tăng cường năng lực quốc phòng và hỗ trợ người dân Peru trong các trường hợp khẩn cấp”, tờ The Korea Times dẫn lời Tổng thống Peru Dina Boluarte khẳng định.

Theo Yonhap, hợp đồng nói trên đã đưa HD HHI trở thành “đối tác chiến lược” của hải quân Peru trong 15 năm tới, xác lập vị trí của hãng như là “nhà thầu được ưa thích” đối với các dự án mua sắm trong tương lai của lực lượng này. “Chúng tôi sẽ tận dụng các công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm sâu rộng của mình để hỗ trợ hải quân Peru tăng cường năng lực tác chiến”, ông Joo Won-ho, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tàu hải quân của HD HHI tuyên bố.

HD HHI ký hợp đồng với SIMA trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang bùng nổ, theo trang mạng Breaking Defense. Hàn Quốc hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 trên thế giới và thứ 2 tại châu Á. Breaking Defense cho rằng có 3 lý do chính giải thích cho thành công của Hàn Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

Đầu tiên là vấn đề nội địa hóa. Các doanh nghiệp quốc phòng Hàn Quốc “được tự do” điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chuyển giao công nghệ và thiết lập dây chuyền sản xuất trên lãnh thổ của khách hàng.

Điều này cũng mang lại lợi ích cho chính Seoul là góp phần bảo đảm năng lực sản xuất chiến lược và chuỗi cung ứng “bên ngoài biên giới”. Hai là tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng nước ngoài có thể được đẩy nhanh, điều hiếm khi xảy ra đối với các doanh nghiệp phương Tây.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẵn lòng để các doanh nghiệp quốc phòng trong nước điều chỉnh thời gian bàn giao các đơn hàng nội địa nhằm ưu tiên hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Ba là các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc có chất lượng, công nghệ cùng giá cả cạnh tranh nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Trang mạng Breaking Defense lưu ý rằng trọng tâm của 3 lý do trên là sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc dành cho các doanh nghiệp quốc phòng trong nước. Trên thực tế, theo The Korea Times, chính HD HHI cũng khẳng định hợp đồng với SIMA có được là nhờ nỗ lực chung của hãng với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hải quân Hàn Quốc, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA), cảnh sát biển Hàn Quốc, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Peru, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA).

“Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng chắc chắn không phải bất khả thi. Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang có chiều hướng đi lên”, Breaking Defense khẳng định.

HOÀNG VŨ