3 kịch bản điều hành giá năm 2024
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:34, 24/04/2024
Theo đó, 3 kịch bản điều hành giá của Bộ Tài chính tương ứng dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,64% so với năm 2023 (kịch bản 1); tăng 4,05% (kịch bản 2) và tăng khoảng 4,5% (kịch bản 3).
Những kịch bản này được dựa trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường bán lẻ vẫn được kỳ vọng trên đà phục hồi. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.537 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%...
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các biện pháp điều hành giá trong quý II/2024 và các tháng còn lại của năm 2024, trong đó có việc triển khai thi hành Luật Giá có hiệu lực từ 1/7.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế.
Qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
"Từng bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.
Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lâu dài về quản lý mặt hàng vàng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.