Quốc hội Mỹ giáng đòn mạnh vào TikTok
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 11:26, 24/04/2024
Logo của TikTok. (Ảnh: Reuters) |
Biện pháp này là một phần trong gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.
Mỹ và các quan chức phương Tây khác nhiều lần báo động về tác hại của TikTok đối với người trẻ, lo ngại Trung Quốc dùng nền tảng này để thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. TikTok có 170 triệu người sử dụng chỉ riêng ở Mỹ.
Những người phản đối cho rằng TikTok được sử dụng làm phương tiện tuyên truyền. Trung Quốc và công ty ByteDance bác bỏ cáo buộc.
Dự luật này có thể dẫn đến một bước đi hiếm hoi – cấm công ty hoạt động ở thị trường Mỹ.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký dự luật.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhắc lại những quan ngại về TikTok trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng này.
Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về dự luật cuối tuần qua, nhà điều hành TikTok nói rằng “thật không may” khi các nghị sĩ Mỹ "ủng hộ dự luật chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hằng năm".
Theo dự luật này, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng trong vòng 1 năm hoặc sẽ bị loại khỏi 2 kho ứng dụng của Apple và Google ở Mỹ.
Steven Mnuchin, bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, cho biết ông quan tâm đến việc mua TikTok và đang tập hợp một nhóm nhà đầu tư.
TikTok trở thành đích ngắm của giới chức Mỹ trong nhiều năm qua, vì lo ngại nền tảng này giúp Trung Quốc theo dõi người sử dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm cũng có thể dẫn đến các vụ kiện.
Dự luật được Quốc hội thông qua cũng sẽ trao quyền cho tổng thống Mỹ xác định những ứng dụng khác có gây đe dọa an ninh quốc gia hay không nếu chúng thuộc quyền kiểm soát của quốc gia bị Mỹ coi là thù địch.
Tỷ phú Elon Musk, ông chủ của mạng xã hội X, lên tiếng phản đối việc cấm TikTok, cho rằng làm điều này sẽ “đi ngược với tự do ngôn luận"..