Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Tin đối ngoại - Ngày đăng : 13:22, 23/04/2024

AWEN - Câu chuyện của một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng AWEN - bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Mạng lưới nữ l
Nguyễn Thị Tuyết Minh
“Ngôi nhà chung” của các nữ doanh nhân ASEAN

AWEN (Asean Women Entrepreneurs Network) là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN. Là thành viên sáng lập Mạng nữ doanh nhân ASEAN (AWEN) – ý tưởng thành lập AWEN có nhân duyên với bà như thế nào?
Sáng kiến thành lập một tổ chức của Doanh nhân nữ ASEAN đã được Việt Nam công bố tại Hội nghị Ủy ban phụ nữ ASEAN (ACW) lần thứ 6 tổ chức vào ngày 7- 8/11/2007 tại Chiang Mai (Thái Lan) - như một phần trong đề xuất phát triển chương trình hợp tác giữa ACW và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO) trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói. Sáng kiến này được các nước thành viên ASEAN rất hoan nghênh.
Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và tôi được ACW Việt Nam, mà đại diện là Bộ Lao động và Thương binh Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng lựa chọn giao nhiệm vụ trực tiếp thành lập AWEN.
Đây là là thử thách lớn nhất, đồng thời là một trải nghiệm không thể quên đối với cá nhân tôi. Thú thực, ban đầu tôi đã rất băn khoăn, chưa dám nhận nhiệm vụ trước hàng loạt câu hỏi tự đặt ra... kể cả việc tôi có thể sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Hơn ai hết tôi hiểu đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trong bối cảnh không có tiền lệ, không có kinh nghiệm, không có kinh phí, chưa biết ai sẽ là hội viên từ chín nước còn lại, thậm chí là chưa hiểu cơ chế vận hành một tổ chức NGO trong ASEAN thế nào...
Về bản thân, khi đó tôi cũng chưa phải là chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam. Cơ chế làm việc của ASEAN dựa trên nguyên tắc đồng thuận, trong khi phần lớn người đứng đầu nhóm doanh nhân nữ của 9 nước thành viên còn lại đều là các chủ doanh nghiệp lớn, rất khó để tìm được sự đồng thuận.
Suy nghĩ thôi thúc tôi lúc bấy giờ là quyết tâm vì “màu cờ, sắc áo” và một niềm tin rằng Việt Nam nhất định sẽ thành công. Cùng với sự động viên và cam kết ủng hộ, hỗ trợ của cả hệ thống, từ lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, VCCI, với tinh thần tiên phong của người Đảng viên, sự quyết tâm và cả sự lạc quan “cứ đi rồi sẽ đến”đã tạo niềm tin cho tôi và VWEC hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN đã được ra đời vào ngày 22/4/2014 tại Hà Nội. Tôi vinh dự đảm nhiệm vai trò nhà sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của AWEN, nhiệm kỳ 2014 – 2016.
Đến nay, AWEN đã có vị thế, tiếng nói quan trọng trong đối thoại công – tư, đối thoại Phụ nữ - kinh tế trong ASEAN, được rất nhiều các đối tác quốc tế khác đề nghị hợp tác.
Nguyễn Thị Tuyết Minh
kết nối, chia sẻ và thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ASEAN

Được biết, tại thời điểm thành lập AWEN (năm 2014), Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm 4 quốc gia kém phát triển hơn trong ASEAN?
Nhưng lần đầu tiên trong ASEAN có một Mạng lưới của các doanh nhân nữ ra đời với mục đích kết nối, chia sẻ và thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Và ý tưởng sáng lập, cũng như thúc đẩy hiện thực hóa ý tưởng đó thuộc về Việt Nam.
Các sáng kiến, cũng như hoạt động của AWEN tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và nâng cao quyền năng kinh tế, đẩy mạnh triển khai nhiều dự án tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các doanh nhân nữ, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của Cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, kết nối với các nền kinh tế toàn cầu.
Tôi còn nhớ, trong một buổi gặp Lễ tân tại Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người Thái Lan ở Thủ đô Bangkok năm 2017, Ngài Bộ trưởng nói với tôi rằng, "Lúc đầu các doanh nhân nữ của chúng tôi cho biết Việt Nam là người sáng lập ra Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN... Tôi rất xin lỗi bà, tôi đã tự hỏi tại sao lại là Việt Nam! Nhưng sau tất cả những gì bà đã làm... thì tôi hiểu rằng chỉ có thể là Việt Nam”.
Sự ra đời của AWEN sau đó đã được bạn bè quốc tế và các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc tạo dựng ra một mạng lưới hỗ trợ cho các doanh nhân nữ trong khu vực với nhiều sáng kiến và các hoạt động thiết thực.
Nguyễn Thị Tuyết MinhNguyễn Thị Tuyết Minh
Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng thành lập AWEN, bà nhớ nhất điều gì?
Tôi không thể nhớ mình và đội ngũ của Việt Nam đã gặp bao nhiêu khó khăn, thách thức trong nhiệm vụ xây dựng tổ chức và vận hành AWEN.
Bản thân tôi ban đầu chưa tạo dựng được uy tín, thương hiệu trong AWEN. Khi đó, tôi chỉ tâm niệm bằng nhiệt huyết, lòng tự tôn và tinh thần cống hiến, “có chí thì nên” (Where there is a will, there is a way).
Chập chững từng bước đầu tiên, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu, viết báo cáo, kêu gọi, tìm kiếm sự đồng thuận... Bước đầu là dự thảo Điều khoản tham chiếu (TOR) thành lập AWEN (Tôi đề nghị thành lập mạng lưới vì tính linh hoạt trong triển khai các hoạt động) và cùng ACW Việt Nam tham dự, giới thiệu TOR tại 1 số Hội nghị ASEAN lấy ý kiến để hoàn thiện.
Tại Hội nghị ACW lần thứ 11 (16 -17/10/2012) tại Thủ đô Vientiane, CHDCND Lào, Điều khoản tham chiếu của AWEN đã được thông qua.
Tôi cũng đã đề xuất thành lập một ban điều hành của AWEN gồm đại diện của 10 quốc gia thành viên ASEAN và xây dựng cơ chế làm việc luân phiên nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nhân nữ trong khu vực.
Sau đó, tôi đã đề nghị ACW Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN làm việc với ACW các nước để giới thiệu một tổ chức giữ vai trò là tổ chức điều phối các hoạt động của AWEN tại mỗi nước thành viên (Country Coordinator hay Focal Points).
Nguyễn Thị Tuyết Minh
Có thể hình dung ra một Chủ tịch AWEN hoạt động không ngừng nghỉ vì một mục tiêu kết nối mạng lưới các doanh nhân nữ của 10 quốc gia thành viên ASEAN, khi đó một ngày làm việc của bà diễn ra thế nào?
Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, tôi đã được mời tham dự rất nhiều Hội nghị/Hội thảo/Diễn đàn trong khu vực. Đến đâu, tôi cũng cố gắng quan sát, học tập và nhận diện đối tác/nhà tài trợ tiềm năng, từ đó tìm tòi đưa ra các sáng kiến, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.
Trong các cuộc hội thảo, tiếp xúc, tôi thường tranh thủ tận dụng khoảng thời gian nghỉ giải lao hay ăn trưa cho các cuộc gặp mặt với các đối tác tiềm năng, để vận động tài trợ cho các hoạt động của AWEN. Sau một ngày làm việc gần như không nghỉ, tôi thường trở về đến khách sạn lúc nửa đêm với 1 bát mì gói.
Nguyễn Thị Tuyết Minh
Từ những hoạt động thực tế và thành công của mạng lưới AWEN, bà có thể chia sẻ quan điểm về việc nâng cao nhận thức sâu sắc hơn về ASEAN, cũng như mạng lưới doanh nhân nữ?
Thông qua hoạt động thực tế của AWEN đã góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc hơn về ASEAN củacác doanh nhân nữ. ASEAN là một khu vực đa dạng về văn hóa, lịch sử và chính trị, tính đa dạng này chính là một phần quan trọng của bản sắc của ASEAN và nó cần được tôn trọng, thúc đẩy thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các quốc gia thành viên
Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của ASEAN. Việc nâng cao nhận thức về quyền và tiềm năng của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh và doanh nghiệp, là một phần quan trọng của việc đảm bảo phát triển bền vững và công bằng trong khu vực.
Mạng lưới AWEN có thể tạo ra cơ hội cho phụ nữ trong khu vực để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác, từ đó tăng cường sức mạnh và tự tin của họ trong việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh và xã hội.
AWEN đã nói lên tiếng nói của các doanh nhân nữ trong nhiều hội nghị đối thoại Phụ nữ và kinh tế, góp phần khuyến nghị chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ các chính phủ và tổ chức trong khu vực để tạo ra môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh doanh và xã hội, bao gồm việc cung cấp nguồn lực, đào tạo và khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.
Những thành công của AWEN đã góp phần tạo ra mạng lưới và liên kết giữa các phụ nữ trong khu vực để họ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác, từ đó tạo ra những giá trị gia tăng cho cả cá nhân và cộng đồng.
Người Việt đầu tiên được trao Giải thưởng ASEAN

Nguyễn Thị Tuyết Minh



Được biết, mới đây, bà là công dân Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng ASEAN – Giải thưởng là cam kết của Chính phủ 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Bà có thể chia sẻ đôi điều về Giải thưởng và quan điểm về việc trao quyền kinh tế - xã hội cho phụ nữ đối với tương lai, cũng như sự phát triển của ASEAN?
Tôi không phải là người sáng lập, mà chỉ là người biến ý tưởng của Việt Nam thành hiện thực.
Thú thật, lúc nhận nhiệm vụ, tôi không bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó vinh dự được trao Giải thưởng ASEAN, mà nghĩ đơn giản lắm, chỉ là niềm tin vào thành công của Tổ quốc và nỗ lực hết khả năng.
Đến nay, khi AWEN đã có vị thế nhất định, một tiếng nói quan trọng trong các cuộc đối thoại, tôi tự hào khi được góp phần vào tiến trình nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia và đóng góp của của người dân ASEAN, hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Trao quyền cho phụ nữ hay đúng hơn là nâng cao quyền của phụ nữ rất quan trọng để đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững trong khu vực ASEAN.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự tham gia và đại diện bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong ASEAN sẽ thúc đẩy việc ra quyết định kinh tế và chính trị tốt hơn. Khi phụ nữ được tham gia vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực thì các chính sách và công tác quản trị sẽ mang tính toàn diện và bao trùm.
Thực tế đã chứng minh, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng, hòa bình, cải thiện phúc lợi cho bản thân và gia đình họ. Phụ nữ cũng tiên phong trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Nâng cao quyền kinh tế của phụ nữ sẽ góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho các thế hệ mai sau.
Nguyễn Thị Tuyết Minh
Đề xuất của bà trong vai trò là nhà lãnh đạo của mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ tiên phong của Việt Nam, cũng như mạng lưới AWEN, hướng tới việc "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" như chủ đề của Diễn đàn ASEAN Future 2024?
Theo tôi, chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy mạng lướt AWEN, mở rộng hoạt động, tập trung vào các hoạt động cốt lõi, ưu tiên các hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nhân nữ vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay để thu hút các thành viên tích cực là các doanh nhân nữ từ 10 quốc gia thành viên tham gia mạng lưới. Thông qua các hoạt động của AWEN để:
Thứ nhất, tăng cường Hợp tác kinh tế và thương mại, đề xuất việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư trong khu vực ASEAN thông qua việc thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ, loại bỏ rào cản thương mại, đơn giản hóa các quy trình thủ tục.
Khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ với các tổ chức trong việc ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số trong vận hành và phát triển doanh nghiệp .
Thứ hai, tăng cường hợp tác đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nhân nữ và giao lưu văn hóa. Đề xuất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nhân nữ trong khu vực, hướng tới phát triển bền vững.
Khuyến khích giao lưu văn hóa và nghệ thuật giữa doanh nhân nữ của các quốc gia thành viên ASEAN để thúc đẩy sự hiểu biết,tôn trọng văn hóa đa dạng và tập quán kinh doanh của các nước trong khu vực.
Thứ ba, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đề xuất các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ thực hiện các sáng kiến đáp ứng bộ ba tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Khuyến khích sử dụng công nghệ và sáng tạo để giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực ASEAN của chúng ta và thế giới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Thực hiện: Minh Anh
Ảnh: NVCC, AWEN