Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tay chân miệng, sởi tại Hà Nội

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:27, 23/04/2024

Hà Nội liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, đặc biệt là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 sau nhiều năm không có ca bệnh.
Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tay chân miệng, sởi tại Hà Nội
Phụ huynh cần tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế. Ảnh: Lệ Hà

Ngày 22.4, Sở Y tế TP Hà Nội phát đi cảnh báo, chỉ trong một tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 186 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, chưa có ca tử vong, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện Hà Nội có 8 ổ dịch đang hoạt động. Tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.

Cũng theo Sở Y tế TP Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 cho đến nay số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội cũng tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Theo điều tra dịch tễ học, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm. Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện từ sớm và gia tăng là do công tác phòng, chống dịch ở một số nơi chưa quyết liệt. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ yếu tố thời tiết thay đổi thất thường.

Đặc biệt, Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca mắc sởi, cũng là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Ca mắc sởi này là bệnh nhi 10 tuổi (ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Năm nay, Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi sớm hơn, cùng kỳ năm 2023 thành phố chưa có ca mắc sởi nào.

Bên cạnh ca mắc sởi, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 46 ca mắc ho gà, tại 20 quận, huyện; số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỉ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, các ca mắc sởi ghi nhận trên cả nước có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm sẽ quay trở lại. Năm 2024 được dự đoán có thể xảy ra dịch sởi.

Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỉ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, do trong giai đoạn dịch COVID-19 và việc cung ứng chậm vaccine giai đoạn 2022-2023.

Thống kê từ chương trình Tiêm chủng mở rộng cho thấy, tỉ lệ tiêm vaccine trong năm 2023 đang thấp hơn so với những năm 2017-2019, chỉ đạt có 84% so với tỉ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%.Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong tuần tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch…Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh mùa hè như: Tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… Khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch của ngành y tế.

Hà Lê