Cùng ASEAN viết tiếp câu chuyện thành công trong tương lai
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 06:52, 23/04/2024
Trong khuông khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN-43 và các hội nghị liên quan tại thủ đô Jakarta, Indonesia, chiều 4/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc hợp tác với các thành viên nhằm xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN thời gian qua?
Trong những năm qua, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác ASEAN với những đóng góp quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, kết nối và mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ASEAN ở khu vực và thế giới.
Trước tiên, có thể nói chính những thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị và lãnh đạo có tầm nhìn quốc tế và khu vực, cùng sự năng động của doanh nghiệp và năng lượng mạnh mẽ của người dân Việt Nam đã có tác động hết sức tích cực cho hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam luôn tiên phong trong việc triển khai các trọng tâm ưu tiên và thực hiện đầy đủ các cam kết trong tiến trình xây dựng cộng đồng. Về kinh tế, Việt Nam chủ động tham gia tiến trình liên kết kinh tế ASEAN, là một trong những nước có tỷ lệ thực hiện cao Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Đặc biệt, bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2020, Việt Nam thúc đẩy thành công ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại lớn nhất toàn cầu do ASEAN dẫn dắt với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong thúc đẩy hợp tác văn hóa - xã hội ASEAN, triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác và đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực trên nhiều lĩnh vực như lao động, giáo dục, phụ nữ và trẻ em... Việt Nam đi đầu trong việc tăng cường sự kết nối và liên kết khu vực, ứng phó với các vấn đề mới nổi như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học…
Việt Nam đã chủ trì thực hiện nhiều dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể chính trị - an ninh ASEAN và phát huy vai trò tham vấn và phối hợp hành động đối phó hiệu quả với các vấn đề có tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Các đề xuất và sáng kiến của Việt Nam trong các diễn đàn của ASEAN, như ARF, ADMM+, được các nước ASEAN và đối tác ủng hộ, góp phần tăng cường xây dựng lòng tin và khả năng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Với tư cách là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng, Việt Nam phát huy thành công vai trò cầu nối, giúp nâng tầm quan hệ giữa ASEAN và đối tác, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các nước, góp phần củng cố vị thế ASEAN trên trường quốc tế.
Đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020, Việt Nam thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán trong việc điều hành khu vực nhằm thực hiện các ưu tiên quan trọng và xử lý hiệu quả các thách thức. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt, cùng các nước ASEAN đối phó hiệu quả đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi bền vững. Các sáng kiến do Việt Nam đề xuất như Quỹ ứng phó dịch bệnh Covid-19, Kế hoạch Hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng ASEAN và Khung phục hồi tổng thể ASEAN đã trở thành tài sản chung quan trọng, được triển khai rộng rãi.
Đại sứ Trần Đức Bình từng là Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Nội bộ nhiệm kỳ 2021-2024. |
Sáng kiến AFF có ý nghĩa thế nào đối với Hiệp hội trước cột mốc Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025?
Sáng kiến AFF được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khởi xướng sẽ được tổ chức trong bối cảnh ASEAN đang hoàn tất Tầm nhìn ASEAN 2025 và định hình Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Thông qua các phiên thảo luận về “phát triển nhanh và bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Diễn đàn là cơ hội để các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, chuyên gia của ASEAN và các đối tác trao đổi, tìm ra các giải pháp cho ASEAN trước các xu thế, thách thức toàn cầu, và quan trọng hơn là đề xuất các khuyến nghị chính sách mang tính đột phá, sáng tạo cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN.
Tầm nhìn của ASEAN trong 20 năm tới dựa trên ba định hướng cơ bản, đó là duy trì giá trị cốt lõi và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, đưa ASEAN trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Các xu thế của thời đại đặt ra cho ASEAN những yêu cầu đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong hành động và đột phá trong ý tưởng để vươn tầm bứt phá, thực sự là tâm điểm của hòa bình, hợp tác và phát triển. Trên tinh thần đó, AFF sẽ bổ trợ, đóng góp cho quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Ngay từ khi còn là ý tưởng, Diễn đàn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nước thành viên và đối tác, không chỉ về nguồn lực mà quan trọng là sự khẳng định tham gia của các nhà Lãnh đạo các nước như Thủ tướng Lào với cương vị là Chủ tịch ASEAN 2024 và Thủ tướng Malaysia, với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư ký ASEAN, các nhà nghiên cứu và học giả nổi tiếng ở khu vực… thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng đối với Diễn đàn và nhất là những giải pháp tích cực mà AFF sẽ trao đổi và đề xuất.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt, cùng các nước ASEAN đối phó hiệu quả đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi bền vững. |
Những sáng kiến như vậy mang thông điệp gì về nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong chặng đường phát triển của ASEAN?
Sau gần ba thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định rõ nét hình ảnh của một thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình vì Hiệp hội. Trước những yêu cầu chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, Việt Nam mong muốn đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của Cộng đồng.
AFF chính là minh chứng cho những nỗ lực và đóng góp đó của Việt Nam, với kỳ vọng tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về những giải pháp đột phá cho hợp tác và liên kết của ASEAN. Thông điệp xuyên suốt mà Việt Nam muốn truyền tải qua Diễn đàn là tinh thần gắn bó, đồng hành, cùng ASEAN viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai.
Trước hết, câu chuyện về ASEAN tự cường và thích ứng. Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một hình mẫu thành công, đóng vai trò không thể thiếu đối với hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực. Trước những biến động phức tạp, khó lường, yêu cầu đặt ra cho ASEAN là giữ vững đà hợp tác trên nền tảng nguyên tắc và giá trị cốt lõi, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu và quan tâm của các nước thành viên.
Thứ hai, câu chuyện về ASEAN phát triển năng động và bền vững. Những năm qua, tầm vóc của ASEAN là từ khóa được quan tâm bởi nỗ lực của ASEAN vượt qua các thách thức và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Phát huy đà thành công đó, điều quan trọng với ASEAN là nắm bắt và làm chủ các xu hướng phát triển về xanh, số và bền vững đang diễn ra mạnh mẽ. Chủ đề mà Thủ tướng Chính phủ lựa chọn cho Diễn đàn lần này đáp ứng rất kịp thời quan tâm của ASEAN, khu vực và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cũng kỳ vọng các trao đổi tại Diễn đàn lần này sẽ góp thêm tiếng nói và động lực cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai mà Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2024.
Câu chuyện cuối cùng và không kém phần quan trọng là về ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Có thể nói, Việt Nam đã góp phần quan trọng để đưa quan điểm này thành định hướng bao trùm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Tại các Hội nghị của ASEAN ở tất cả các cấp, các kênh hợp tác, chúng ta đã thể hiện nhất quán và mạnh mẽ tinh thần “lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng”. Diễn đàn lần này được kỳ vọng tiếp tục có những trao đổi sâu và thấu đáo hơn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao trùm, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp và địa phương.