Tại sao Israel có thể phòng thủ 99% trước đòn tấn công tên lửa của Iran?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 17:26, 22/04/2024
Israel hiện sở hữu hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa tinh vi hàng đầu thế giới. Tuy nhiên không phải vì thế mà có thể làm nên “điều kỳ tích” ngăn chặn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran. Vậy Israel đã ngăn chặn hiệu quả đợt tấn công tên lửa của Iran như thế nào?
“Lá chắn tên lửa” đa tầng, đa lớp của Israel
Một trong những niềm tự hào của IDF hiện nay chính là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đa tầng, đa lớp. “Lá chắn tên lửa” của Israel được coi là một trong những hệ thống tinh vi, hiện đại hàng đầu thế giới.
Tổ hợp phòng thủ tên lửa thượng tầng của IDF chính là Arrow và các biến thể nâng cấp. Chúng được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và xa. Tổ hợp Arrow-3 là phiên bản mới nhất với khả năng đánh chặn tên lửa và đầu đạn của đối phương ở ngoài khí quyển Trái đất, khi mục tiêu có tốc độ bay thấp nhất trước khi hồi quyển.
Tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow-3 đã chứng minh khả năng trong đợt tập kích tên lửa vừa qua của Iran. Ảnh: Topwar |
Arrow-3 mang đầu đạn xuyên phá động năng, sử dụng va chạm trực tiếp để phá hủy mục tiêu. Tổ hợp có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao lên tới 100km và khoảng cách lên tới 2.400km. Trong cuộc tập kích tên lửa của Iran, đã xuất hiện nhiều hình ảnh của đạn tên lửa Arrow-3 đánh chặn mục tiêu ngoài không gian.
Cùng với tổ hợp Arrow, Quân đội Israel còn có các tổ hợp phòng thủ tên lửa David's Sling, Patriot và Iron Dome để đánh bại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, UAV và tên lửa hành trình.
Đặc biệt, Israel nằm trong số ít quốc gia sở hữu phiên bản Patriot nâng cấp MIM-104E (PAC-2/GEM+) với đạn tên lửa đánh chặn có khả năng phòng thủ ở độ cao thấp. Trong tương lai, khi tổ hợp David's Sling hoàn thiện, IDF sẽ sử dụng loại vũ khí phòng thủ tên lửa nội địa này thay thế cho các loại vũ khí nhập khẩu từ Mỹ.
Tổ hợp David's Sling nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Ảnh: Defense News |
David's Sling được trang bị đạn tên lửa khá đặc biệt khi tích hợp công nghệ dẫn đường và khóa mục tiêu kép hợp giữa radar và quang-điện tử để tăng tỷ lệ đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách từ 40 đến 300km.
Đánh chặn tên lửa tầm thấp của Israel chính là các tổ hợp Iron Dome danh tiếng. Nó đã khẳng định được danh tiếng khi lần đầu tiên tham chiến vào năm 2011, khi có khả năng tính toán đường bay của tên lửa, rocket và đạn pháo của đối phương để phóng tên lửa Tamir đánh chặn. Nếu mục tiêu không nhằm vào các vị trí có giá trị chiến thuật, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn để tiết kiệm chi phí.
Một trong những vũ khí phòng thủ tên lửa mới nhất của Israel chính là hệ thống vũ khí laser Iron Beam với dải nhiệm vụ tác chiến tương tự như Iron Dome, nhưng có mức chi phí tối ưu hơn rất nhiều. Nếu như mỗi tên lửa Tamir của tổ hợp Iron Dome có giá tới hơn 50.000 USD, thì mỗi phát bắn laser của Iron Beam chỉ khoảng 15USD. Điều này rất quan trọng trong những cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn và kéo dài. Cựu cố vấn tài chính của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Israel, Chuẩn tướng Ram Aminah đánh giá, hoạt động đánh chặn cuộc tập kích tên lửa của Iran vừa qua đã tiêu tốn khoảng 1-1,3 tỷ USD.
Tổ hợp Iron Dome của IDF. Ảnh: Topwar |
Hỗ trợ từ đồng minh và… từ Iran
Ngoài hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất, Quân đội Israel còn sử dụng máy bay chiến đấu để đánh chặn tên lửa hành trình của Iran. Các máy bay tiêm kích F-35I, F-16I và F-15I đã nhanh chóng ngăn chặn tên lửa Paveh trước khi nó kịp tiếp cận không phận Israel.
Điều này có được nhờ hệ thống cảnh báo sớm dày đặc, cũng như thông tin tình báo từ các quốc gia đồng minh với Israel trong khu vực. Hầu hết các phiên bản máy bay chiến đấu của Israel, trong đó có F-35I Adir đều được hoán cải để mang thêm nhiều nhiên liệu giúp tăng tầm hoạt động và thời gian tác chiến trên không.
Dù đánh chặn thành công đợt tấn công tên lửa của Iran, nhưng chi phí Isarel bỏ ra khá đắt đỏ với các loại vũ khí chính xác cao. Ảnh: Vpk.name |
Một trong những yếu tố giúp sức đáng kể để Israel ngăn chặn đợt tấn công tên lửa của Iran chính là các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa của Quân đội Mỹ, Anh, Jordan và Pháp đang triển khai trong khu vực. Ngay sau vụ tấn công của Iran, Bộ tư lệnh Trung tâm của Lầu Năm Góc xác nhận, chỉ riêng Quân đội Mỹ đã ngăn chặn 80 UAV và 6 tên lửa đạn đạo của Iran. Quân đội Jordan cũng bắn chặn hàng chục UAV của Iran khi chúng bay trong không phận quốc gia này.
Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính Quân đội Mỹ đã giúp Israel ngăn chặn thành công đợt tập kích tên lửa của Iran. “Theo chỉ đạo của tôi, để hỗ trợ phòng thủ Israel, Quân đội Mỹ đã triển khai máy bay và tàu khu trục phòng thủ tên lửa tới khu vực trong tuần qua. Nhờ hoạt động này và sự chuẩn bị của binh sĩ Mỹ, chúng tôi đã giúp Israel bắn hạ gần như toàn bộ máy bay không người lái và tên lửa tấn công của Iran”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố đã cảnh báo đợt tập kích tên lửa nhằm vào Israel với Mỹ trước 72 giờ. Chính vì thế, Israel và đồng minh đã có nhiều thời gian chuẩn bị phòng thủ.
Iran không phải là đối thủ dễ chơi khi sở hữu tiềm lực và kho vũ khí đáng nể. Vì thế, Israel phải cân nhắc khi muốn tấn công trả đũa. Ảnh: Reuters |
Điều này cũng giúp giải thích việc tại sao Israel không đưa ra đòn tấn công trả đũa Iran, khi Washington tuyên bố sẽ không tham gia hoạt động này. Tel Aviv hiểu rõ, nếu không có sự hỗ trợ của đồng minh thì hậu quả của đòn tập kích tên lửa từ Iran, một cường quốc quân sự Trung Đông, sẽ thảm khốc hơn rất nhiều. Khi đó, “kỳ tích” ngăn chặn 99% tên lửa, UAV bên ngoài lãnh thổ Israel sẽ khó lặp lại.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.