'Bom tấn' Hollywood khiến gần một nửa dàn diễn viên và đoàn làm phim mắc ung thư– Kỳ 1

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 23:00, 21/04/2024

Không chỉ bị những lời chỉ trích nặng nề bủa vây, số phận của "The Conqueror" còn bi đát hơn nhiều. Gần một nửa dàn diễn viên và những người tham gia đoàn làm phim đã mắc các bệnh ung thư và 46 người chết vì căn bệnh quái ác này.

"KẺ CHINH PHỤC" THẤT BẠI

Chú thích ảnh
Nam diễn viên nổi tiếng Hollywood John Wayne vào vai Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Wikimedia Commons

Với kinh phí lớn, dàn diễn viên hạng A và cốt truyện dựa trên một nhân vật lịch sử lẫy lừng, “The Conqueror" (Kẻ chinh phục) lẽ ra phải là một “bom tấn” thực thụ. Nhưng quả bom cuối cùng lại bị “xịt ngòi” khi đối mặt với chỉ trích "bẻ cong lịch sử" và tệ hơn, nó gắn với bi kịch nhiễm độc phóng xạ, gây ra bởi các cuộc thử hạt nhân của Mỹ trên sa mạc Nevada.

Thiên sử thi lịch sử "Kẻ chinh phục" năm 1956 của Dick Powell là một trong những bộ phim bị xếp loại dở nhất thập niên 1950. Bộ phim bị đội ngân sách và nhận về những chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó. "Kẻ chinh phục" xoay quanh cuộc đời chinh chiến và tình yêu của thủ lĩnh Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, nhưng đóng nam chính lại là một diễn viên da trắng. Dù nhận vai khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nam tài tử John Wayne vẫn chịu nhiều chỉ trích. Nhiều nhà phê bình cho rằng phim đã bẻ cong lịch sử, "tẩy trắng" chủng tộc.

"Kẻ chinh phục" đã xuất hiện trong các cuốn sách đề cập đến những bộ phim dở nhất, trong đó có cuốn "50 bộ phim tệ nhất mọi thời đại" của Michael Medved, Harry Medved và Randy Dreyfuss. Đây cũng là bộ phim cuối cùng được sản xuất bởi Howard Hughes, người sau đó đã chi tiền riêng để mua mọi bản in của "The Conqueror", đảm bảo nó xa rời tầm mắt công chúng. Nhưng hãng Universal cuối cùng đã mua được bản quyền của bộ phim vào năm 1979.

Không chỉ bị những lời phê bình bủa vây, số phận của "The Conqueror" và những người tạo ra nó còn bi đát hơn nhiều. Kết cục là trong vòng 25 năm sau khi phim đóng máy, gần một nửa dàn diễn viên và những người tham gia đoàn làm phim đã mắc các loại bệnh ung thư và 46 người chết vì căn bệnh quái ác này.

Chú thích ảnh
Nam - nữ diễn viên chính trong "Kẻ chinh phục" John Wayne và Susan Hayward đều qua đời vì bệnh ung thư. Ảnh: Slashfilm

Bi kịch bắt nguồn từ việc, để tái hiện thảo nguyên Mông Cổ, "The Conqueror" được quay ở địa điểm thuộc ngoại ô thành phố St. George, bang Utah, cách cơ sở thử nghiệm hạt nhân được sử dụng nhiều nhất của chính phủ Mỹ hơn 200km đường chim bay.

Chiến dịch Upshot-Knothole và sa mạc phóng xạ

Sa mạc thường được coi là khu vực khắc nghiệt và không thể ở được. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các chương trình của chính phủ Mỹ liên quan đến thiết bị nguy hiểm thường được tiến hành ở các sa mạc và nước này có một số sa mạc rất rộng lớn.

Trong Dự án Manhattan (dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II), chính phủ Mỹ và các nhà khoa học liên quan đã chọn một số sa mạc ở New Mexico để thực hiện các cuộc thử nghiệm nguyên tử vào năm 1945. Sau chiến tranh, họ chuyển sang thực hiện những cuộc thử nghiệm này ở Nam Thái Bình Dương để giữ bí mật. Tuy nhiên, với nỗi hoang tưởng ngày càng gia tăng gây ra Chiến tranh Lạnh, đại dương này không phải là nơi an toàn nhất để thử vũ khí hạt nhân, vì vậy giới chức Mỹ quyết định quay trở lại sa mạc nội địa để tiếp tục hoạt động thử hạt nhân.

Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC) của Mỹ cuối cùng đã chọn một bãi thử trên sa mạc ở tiểu bang Nevada, mà một trong các lý do được tính đến là tính chất hướng gió tại đây sẽ giúp thổi bay các mối nguy phóng xạ khỏi các trung tâm dân cư ở Las Vegas và Los Angeles. Thay vào đó, những mối nguy hiểm này sẽ lan về phía Tây, nơi có các trang trại chăn nuôi cùng với cộng đồng người Mỹ bản địa và người Mormon.

Chú thích ảnh
Một vụ nổ hạt nhân tại bãi thử Nevada vào năm 1951. Ảnh: Wikimedia Commons 

Từ năm 1951 đến năm 1962, các chương trình thử nghiệm tại Bãi thử An ninh Quốc gia Nevada (Nevada National Security Site) đã cho nổ hơn 100 quả bom hạt nhân, phát tán rất nhiều bụi phóng xạ đến bang Utah và Arizona. Tuy nhiên, chính phủ không lo lắng về điều này, hay nói đúng hơn là họ đã đánh giá quá thấp về nó. Những đám bụi phóng xạ khổng lồ màu hồng nhạt đã lan đi khắp các thung lũng và hẻm núi đá ở phía Nam Utah và phía Bắc Arizona. Những quả bom hạt nhân được đặt cho những cái tên “dễ thương”, trái ngược với bản chất hủy diệt của chúng, như Annie, Eddie, Humboldt hay Badger.

Điều đáng kinh ngạc hơn là giới chức thậm chí còn quảng bá những thứ này như một hoạt động biểu diễn cho công chúng và một hoạt động yêu nước. Một cuốn sách của AEC cho biết: “Hành động tốt nhất của bạn là đừng lo lắng về bụi phóng xạ”. Các gia đình và những đôi tình nhân còn lái xe đến những địa điểm thuận lợi để xem cảnh tượng thử hạt nhân, sau đó lái xe về nhà khi bụi phóng xạ bay xuống cộng đồng của họ.

Một bài xã luận trên tờ The Deseret News cho biết: “Các vụ nổ nguyên tử ngoạn mục đồng nghĩa với tiến bộ trong phòng thủ, không có lý do gì để hoảng sợ”. Clint Mosher, một nhà báo, cho biết anh chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng nào đẹp hơn thế. “Nó giống như nhận một lá thư từ nhà hoặc cái bắt tay chặt chẽ của một người mà bạn ngưỡng mộ và tin tưởng”.

Trong chuỗi thử nghiệm đó, có 11 quả bom được kích nổ riêng trong năm 1953 như một phần của đợt thử nghiệm đặc biệt có tên là Chiến dịch Upshot-Knothole, một nỗ lực nhằm tìm cách phóng đầu đạn hạt nhân từ một khẩu pháo mặt đất thay vì thả chúng từ máy bay.

Chú thích ảnh
Chiến dịch Upshot-Knothole nhằm thử nghiệm phóng vũ khí hạt nhân từ pháo thay vì thả từ máy bay. Ảnh: Wikimedia Commons

Cuộc đổ bộ của đoàn phim

Chiến dịch Upshot-Knothole được tiến hành chỉ một năm trước khi "The Conqueror" đi vào sản xuất. Trong khi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử đảm bảo với hãng phim và người dân địa phương rằng việc thử nghiệm bom hạt nhân là an toàn 100%, thì vẫn chưa có nhiều thông tin về tác động lâu dài của bức xạ và những ảnh hưởng của bụi phóng xạ hạt nhân vẫn chưa được nghiên cứu.

Năm 1954, 4.800 cư dân của St George nhận thấy mình đang trở thành chủ nhà đón tiếp một cuộc xâm nhập kỳ lạ của dàn diễn viên, nhà sản xuất, kỹ thuật viên và diễn viên đóng thế. Howard Hughes đã vung tiền vào thứ mà ông dự tính là một câu chuyện gây chấn động về sự lãng mạn và những trận chiến hoành tráng trên thảo nguyên châu Á. Dàn diễn viên và đoàn làm phim đã lấp đầy các nhà nghỉ và tuyển người dân địa phương làm lao động và người phụ việc. Khoảng 300 người Ấn Độ Shivwit đóng vai dân làng Mông Cổ.

Trong lúc "The Conqueror" đang trải qua những cảnh quay khó khăn, thì bụi phóng xạ vẫn âm thầm bay đi theo gió. Các nhà làm phim thực sự có biết về các vụ thử hạt nhân, nhưng toàn bộ tác động của bức xạ thì không được biết đến trong nhiều năm sau đó.

Sau 13 tuần mệt mỏi ở Utah, để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nhà sản xuất Howard Hughes đã cho dựng bối cảnh quay của "The Conqueror" ở ngay tại Hollywood. Tuy nhiên, để duy trì tính nhất quán về mặt hình ảnh, ông yêu cầu vận chuyển 60 tấn đất từ địa điểm ban đầu ở Utah về kinh đô điện ảnh, và điều đó càng khiến dàn diễn viên và đoàn làm phim bị nhiễm thêm phóng xạ.

Theo một số nhà khoa học hạt nhân, mức độ phóng xạ từ địa điểm thử hạt nhân ở Nevada cao gấp 10 lần so với thảm họa Chernobyl.

Xem tiếp Kỳ cuối: Khi 'quái vật’ ung thư hoành hành