Dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân lao động
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:04, 21/04/2024
Không ăn đủ nhu cầu năng lượng, dinh dưỡng, người lao động nhanh mệt mỏi, mất sức
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Một chế độ dinh dưỡng cần thiết dành cho mỗi người nói chung, công nhân nói riêng cần có 4 nhóm chất dinh dưỡng, trong đó có 3 chất sinh năng lượng (glucid/chất bột đường, protein/chất đạm, lipid/chất béo) quan trọng là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể con người để duy trì sự sống và hoạt động thể lực.
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016, thì nhu cầu các chất dinh dưỡng tùy thuộc theo tuổi, giới tính, mức độ lao động và tình trạng sinh lý. Với đối tượng là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy (giày da, may mặc, thủy sản...) thì mức độ hoạt động thể lực trung bình nặng, phần lớn là lao động nữ. Một chế độ ăn đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng như: Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55 - 65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20 - 25% và 15 - 20% là từ chất đạm.
Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thì chế độ ăn uống hàng ngày cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng và phối hợp từ 15 - 20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối hợp lý: Tỉ lệ đạm động vật và đạm thực vật là 30: 70. Khẩu phần ăn nên có sự phối hợp ở tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...).
Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỉ lệ cân đối trong khẩu phần. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Ăn đủ về năng lượng, các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể, phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày.
"Nếu không ăn đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến người lao động nhanh mệt mỏi, năng suất lao động không cao, thậm chí dễ bị mất an toàn lao động. Tình trạng ăn thiếu nhu cầu các chất dinh dưỡng diễn ra thường xuyên, trong một thời gian dài sẽ dẫn đến bị suy nhược cơ thể, thiếu dinh dưỡng (suy dinh dưỡng trường diễn), thiếu các vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ" - ThS. BS Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo.
Phòng ngừa các bệnh mãn tính cho công nhân, người lao động
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào cũng đều tiêu hao năng lượng, khi lao động, làm việc càng nặng thì nhu cầu năng lượng cần được cung cấp phải càng cao. Một chế độ ăn hợp lý trước hết phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho người lao động, việc thiếu hay thừa năng lượng đều có hại cho cơ thể.
Nếu bạn có một chế độ ăn không đảm bảo đủ năng lượng sẽ khiến cơ thể nhanh mệt mỏi, giảm năng suất và hiệu quả lao động, trầm trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cơ thể bị suy dinh dưỡng, suy kiệt. Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày cung cấp quá dư thừa năng lượng sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý như thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu,... Đây là yếu tố nguy cơ cho các bệnh mãn tính như: Huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, xơ vữa động mạch,...
Chính vì vậy, mỗi người lao động, đặc biệt là những người làm việc nặng cần tự tính toán mức năng lượng phù hợp với mức độ công việc của mình để cung cấp cho phù hợp cũng như thường xuyên theo dõi cân nặng để xem mình có bị có nguy cơ suy dinh dưỡng hay béo phì không?
Chỉ số BMI (Body Mass Index) hay chỉ số khối cơ thể là thông số thường được sử dụng để đánh giá sự tương quan chiều cao và cân nặng của mỗi người có phù hợp không. Bình thường, chỉ số này ở nam là từ 18.5 - 25 và ở nữ trong khoảng 18 - 23 là bình thường, nếu kết quả của bạn nằm ngoài khoảng này đều là không tốt, cảnh báo một chế độ dinh dưỡng đang không phù hợp.
Theo Bảng nhu cầu năng lượng khuyến nghị bởi Viện dinh dưỡng Quốc gia, một người lao động nặng trong độ tuổi từ 18 - 60 cần một chế độ dinh dưỡng đảm bảo cung cấp từ 2.800 - 3.000 calo/ ngày. Theo một số tính toán, trong khi 1% calo tăng lên trong chế độ ăn kém có thể giúp tăng thêm 2.27% năng suất lao động, thì một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không đảm bảo nhu cầu cần thiết có thể khiến người lao động giảm hiệu suất đến 20%.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đạt được tổng lượng calo mục tiêu, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng cần phải đảm bảo phân bổ lượng calo này dàn đều trong suốt cả ngày, nhất là đối với người lao động chân tay. Nếu năng lượng được cung cấp chỉ 2 lần trong ngày, thì quá trình trao đổi chất sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và bạn sẽ không có đủ một mức năng lượng đảm bảo giữa hai bữa ăn để có thể làm việc.