Hà Nội ra quân bắt chó thả rông
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:43, 20/04/2024
Kế hoạch trên được thực hiện sau khi địa phương ký cam kết ra mắt đội xử lý chó thả rông hồi tháng 3. Đây cũng là một trong những phường đầu tiên ở Hà Nội khởi động lại mô hình này, sau hai lần UBND TP chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo phường Phú Thượng cho biết thời gian đầu khi ra quân, cán bộ chủ yếu nhắc nhở những trường hợp người dân để chó thả rông, không rọ mõm hoặc phóng uế bừa bãi nơi công cộng.
Đồng thời, người dân được yêu cầu ký cam kết vật nuôi đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại, cũng như cam kết không tái phạm tình trạng để chó thả rông nơi công cộng.
Trường hợp không chấp hành, người dân sẽ bị xử phạt theo quy định. Dù vậy, lãnh đạo phường cho biết việc xử phạt rất khó khăn bởi có nhiều trường hợp người dân bỏ vật nuôi, không nhận chó để không phải chịu phạt.
Với những chú chó không có chủ nhận về, cán bộ buộc phải nuôi nhốt và trông giữ ở trụ sở của phường trong vòng 48 giờ.
Trong khi đó, trụ sở các phường không đảm bảo điều kiện nuôi nhốt, cũng như không thể cắt cử cán bộ trông coi do đến nay chưa có quy định, chế độ cụ thể cho công tác này.
Vì vậy, quá trình ra quân xử lý, cán bộ chủ yếu nhắc nhở và yêu cầu người dân ký cam kết không tái phạm. Thời gian tới, tổ công tác của phường sẽ tăng cường ra quân, xử lý trường hợp vi phạm không theo lịch cố định.
Trước đó, ngày 20/3, phường Phú Thượng đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024, ký cam kết ra mắt đội xử lý chó thả rông năm 2024.
Hôm 15/4, UBND TP Hà Nội ban hành công văn yêu cầu các sở liên quan cùng UBND quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng, thành phố đốc thúc quận, huyện tăng cường hoạt động của các đội bắt chó thả rông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một phường thuộc quận Hoàng Mai cho biết việc thành lập các đội bắt chó thả rông chỉ duy trì được một thời gian ngắn vì thiếu cơ chế, chính sách cho những người tham gia hoạt động này.
Đồng thời, chó mèo sau khi được bắt lại cũng khó quản lý vì không có nơi nuôi nhốt riêng.
Vì vậy, thời gian qua, địa phương hầu hết áp dụng hình thức tuyên truyền, vận động và nhắc nhở đối với chủ vật nuôi khi phát hiện trường hợp chó mèo thả rông. Cùng với đó, chủ vật nuôi phải ký cam kết chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại.
Theo khoản 2 điều 7 Nghị định 90 của Chính phủ, chủ nuôi động vật (chó) bị phạt tiền 1-2 triệu đồng khi không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Nếu để chó phóng uế ở nơi công cộng, chủ vật nuôi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng.