Iran và Israel đang ‘đùa với lửa’?
Tin thế giới - Ngày đăng : 09:35, 20/04/2024
Isfahan là nơi đặt các cơ sở công nghiệp - quân sự của Iran, bao gồm cả một cơ sở then chốt trong chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo và một căn cứ không quân lớn cho phi đội tiêm kích F-14. Do đó, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào thành phố này, dù được thực hiện từ bên trong hay bên ngoài Iran, dưới sự hậu thuẫn của Israel, đều có ý nghĩa quan trọng và mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Mặc dù giữa Israel và Iran lâu nay đã xảy ra “cuộc chiến trong bóng tối”, kể cả một vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của các lực lượng Tel Aviv vào một cơ sở sản xuất vũ khí ở Isfahan hơn một năm trước, động lực của xung đột được xác định chủ yếu bằng bối cảnh diễn ra các sự cố.
Theo báo Guardian, điều mới và nguy hiểm, bất kể quy mô hay mức độ nghi ngờ về thái độ của cả hai bên, là một trạng thái bình thường mới đang hình thành trong cuộc xung đột giữa hai nước.
Vụ tấn công bằng tên lửa và UAV của Iran vào Israel lúc rạng sáng 14/4, nhằm đáp trả cuộc không kích tình nghi do các máy bay chiến đấu của Tel Aviv tiến hành vào đại sứ quán của Tehran ở Damacus, Syria, đã xảy ra một cách công khai. Đây cũng là vụ tập kích trực tiếp đầu tiên của một quốc gia khác vào đất Israel trong hơn 3 thập kỷ qua. Các quan chức chính phủ và quân đội Israel ngay lập tức tuyên bố sẽ đáp trả “theo cách thức và thời gian phù hợp” với họ.
Trong khi Tel Aviv chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ thông tin Israel đứng sau vụ tấn công bằng UAV vào Isfahan ngày 19/4, các hãng thông tấn quốc tế đã trích dẫn lời một số quan chức cấp Israel và Mỹ ẩn danh đã khẳng định điều này. Một quan chức Mỹ thậm chí tiết lộ với báo chí rằng Tel Aviv hôm 18/4 đã báo trước cho Washington biết việc họ dự định hành động trong 24 – 48 giờ tiếp theo.
Giới quan sát lưu ý, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Israel tìm cách nhắm mục tiêu vào Iran và các lợi ích của quốc gia Hồi giáo như các chiến dịch ám sát, tấn công bằng máy UAV và phá hoại trước đó, nhưng sự cố lần này lại xảy ra vào một thời kỳ đặc biệt nhạy cảm và đầy biến động ở Trung Đông.
Nếu sự cố mới nhất “nhằm cảnh báo Iran rằng Tel Aviv có khả năng tấn công vào bên trong nước này” như một nguồn tin Israel giấu tên chia sẻ với tờ Washington Post, Tehran chắc chắn sẽ không bỏ qua thông điệp. Theo nhiều nhà phân tích, giới chức Iran đã cảm thấy cần phải “ăn miếng, trả miếng” tương xứng để không bị mất uy tín trước các đồng minh trong khu vực và tạo ấn tượng về chính sách răn đe Israel của họ đã suy yếu.
Vài giờ trước cuộc tấn công tình nghi do Israel tiến hành, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khuyến cáo, Tehran sẽ “đáp trả ngay lập tức và ở mức tối đa” nếu Tel Aviv có động thái “gây hấn mới”. Song, cho tới hiện tại, các nguồn thạo tin quả quyết, người Iran tạm thời chưa có kế hoạch trả đũa Israel.
Có một thực tế đáng lưu ý là, các quy tắc ngầm về đối đầu, tồn tại từ lâu giữa Iran – Israel trong cuộc xung đột ban đầu diễn ra thông qua các lực lượng ủy nhiệm và hiện trực tiếp hơn bao giờ hết, đã bị phá bỏ kể từ khi giao tranh giữa Israel - Phong trào Hồi giáo Hamas được Tehran hậu thuẫn bùng phát ở Dải Gaza ngày 7/10 năm ngoái.
Trong hơn 6 tháng qua, một cuộc xung đột chưa từng có ở Dải Gaza, xét về tính chất bạo lực và thời gian kéo dài, đã cướp đi sinh mạng của hơn 34.000 người Palestine và khiến hàng chục nạn nhân khác bị thương. Ở khu vực biên giới giữa Israel - Lebanon, một cuộc xung đột khác đã vi phạm các quy tắc thông thường, khi đọ súng giữa quân Israel với Hezbollah, một nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn, đã tăng lên kể từ ngày 8/10/2023 và đang diễn ra hàng ngày, khiến hàng chục nghìn cư dân ở cả hai bên biên giới phải đi sơ tán lánh nạn.
Khi ranh giới của sự kiêng dè và kiềm chế lẫn nhau đã bị vượt qua, dư luận quốc tế ngày càng lo ngại “lò lửa” Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, về mặt chính trị, rất khó để thấy phản ứng “một cách hạn chế” của Israel trước Iran như vụ tấn công ngày 19/4 sẽ có lợi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu như thế nào. Đối với một chính khách từ lâu coi Iran và chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhà nước Do Thái, hành động như vậy trong bối cảnh này sẽ bị coi là dấu hiệu của sự thiếu táo bạo và quyết đoán, trái với mong muốn của ông Netanyahu.
Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir, một đồng minh trong liên minh cực hữu của ông Netanyahu, chỉ viết một từ “yếu đuối” trong thông điệp ngắn gọn đăng tải trên mạng xã hội X hôm 19/4.
Mặc dù về phía Iran, những phát biểu ban đầu cho thấy họ có vẻ coi những gì vừa xảy ra không đủ nghiêm trọng để đáp trả. Song, trong bối cảnh căng thẳng tương tự cuối tuần trước, nước này đã phóng hơn 300 tên lửa và UAV về phía Israel.
Hiện không có gì đảm bảo cả Israel và Iran sẽ chùn bước và không “đùa với lửa” vì những tính toán riêng của họ.