Căng thẳng Trung Đông đẩy khả năng giá dầu vượt ngưỡng 100 USD mỗi thùng
Kinh doanh - Ngày đăng : 20:27, 19/04/2024
Những nhận định về giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng đã quay trở lại thị trường trong tuần này, sau khi các hành động trả đũa giữa Iran và Israel làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông.
Các nhà phân tích không loại trừ khả năng giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng trong trường hợp căng thẳng leo thang hơn nữa.
Thậm chí, giá dầu có thể lên tới 130 USD/thùng nếu xung đột lan rộng và làm gián đoạn dòng chảy dầu ở eo biển Hormuz, nơi có khoảng 21 triệu thùng dầu mỗi ngày được các nhà xuất khẩu hàng đầu Trung Đông đưa ra thị trường toàn cầu.
Con số trên tương đương khoảng 1/5 lượng tiêu thụ xăng dầu hàng ngày trên toàn cầu.Các nhà phân tích và thương nhân cũng đã đặt cược từ trước về một sự trả đũa của Iran đối với việc Israel tấn công cơ quan ngoại giao của nước này ở Syria.
Họ cũng biết rằng Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) một lần nữa nắm lại quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ.
Nhóm này đang có sẵn công suất sản xuất dự phòng khoảng 5 triệu thùng/ngày và có thể khôi phục dần dần, trong trường hợp nguồn cung thị trường bị thắt chặt nghiêm trọng và giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD/thùng.
OPEC+ có thể tác động đến giá dầu bằng cách phục hồi một phần trong số sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện đang bị cắt giảm theo kế hoạch.
Song điều này có thể không xảy ra nếu eo biển Hormuz bị chặn. Khi đó, hoạt động xuất khẩu dầu của tất cả các nhà sản xuất Trung Đông, trong đó có Iran, đều sẽ bị tê liệt.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, kịch bản trên là sự kiện có “ít khả năng xảy ra.”
Khi tăng trưởng nguồn cung dầu của Mỹ chậm lại, OPEC+ đã lấy lại được ảnh hưởng trên thị trường và có thể quản lý nguồn cung. Giá dầu có thể tăng mạnh mẽ hơn nếu họ chọn làm như vậy.
Hiện tại, thị trường đang định giá phí bảo hiểm rủi ro chiến sự từ 5-10 USD một thùng. Việc giảm leo thang căng thẳng có thể khiến giá dầu giảm.
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản cho thấy thị trường sẽ gặp khó khăn trong quý 3/2024 với nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào mùa Hè.
Ngay cả khi không xuất hiện căng thẳng mới nhất giữa Iran-Israel, giá dự kiến sẽ ở mức cao nhất là 80 USD/thùng và có thể trên 90 USD/thùng vào mùa Hè này.
Theo đánh giá của ngân hàng JP Morgan, hai rủi ro chính đối với thị trường năng lượng là xung đột Trung Đông lan rộng và gián đoạn vận chuyển hiện dường như đã được kiểm soát.
Ông Ole Hansen, Giám đốc bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, cũng nhận xét rằng nguy cơ gián đoạn còn hạn chế.
Song trong trường hợp xấu nhất, một số đợt trượt giá ngắn hạn có thể được đối phó bằng một đợt bán dầu khác từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ, hoặc các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC quyết định tăng cường khai thác.
Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ có một cuộc họp vào đầu tháng Sáu để quyết định cách tiến hành chương trình cắt giảm hiện tại và đánh giá liệu tình hình thị trường có đảm bảo việc nới lỏng kế hoạch cắt giảm sản lượng hay không.
Ông Warren Patterson, Trưởng phòng Chiến lược thị trường hàng hóa tại ngân hàng ING, cũng đồng ý rằng công suất dự phòng khoảng 5 triệu thùng/ngày của OPEC sẽ đối phó được với bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào ở Trung Đông, ngoại trừ việc đóng cửa eo biển Hormuz.
Ông Patterson nói rằng khả năng Israel nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran là khá nhỏ. Hành động đó sẽ không có lợi cho các đồng minh của Israel vì nó sẽ tác động đến giá dầu.
Ông cũng lưu ý rằng chỉ có việc phong tỏa eo biển Hormuz mới có thể ngăn cản OPEC đưa một phần công suất dự phòng trở lại thị trường. Nhưng nếu sự kiện này xảy ra, không gì có thể ngăn cản giá tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Dù vậy, OPEC không nên quá vui khi giá dầu ở mức ba con số. Đầu tiên, giá dầu ở mức 100 USD/thùng hoặc cao hơn sẽ thúc đẩy phản ứng từ nguồn cung của Mỹ, khiến thị phần của khối cũng như nhu cầu dài hạn đối với dầu thô của họ suy giảm.
Giá dầu ở quanh ngưỡng 100 USD/thùng cũng sẽ hủy hoại nhu cầu và đẩy lạm phát tăng đột biến. Những diễn biến đó sẽ kéo lùi việc cắt giảm lãi suất trong tương lai của các ngân hàng trung ương lớn./.