Điểm tin kinh doanh 19/4: Giá vàng: giảm rất mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/04/2024
- Giá vàng: giảm rất mạnh
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 18/4, thị trường vàng trong nước ít biến động, trong khi thị trường vàng thế giới giảm mạnh.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,12 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 18/4 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên ở cả hai chiều.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang ở mức 82 triệu đồng/lượng mua vào và 84 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm 17/4. Giá vàng Doji ngày 18/4 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 81,85 triệu đồng/lượng mua vào và 83,75 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 18/4, giữ nguyên ở một số thương hiệu vàng trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 18/4, ít biến động, cùng xu hướng với giá vàng miếng.
Theo đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 hiện giao dịch mua vào 74,7 triệu đồng/lượng, bán ra 76,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn PNJ mua vào ở mức 74,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,7 triệu đồng/lượng, không đổi so kết phiên hôm trước.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 18/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 18/4 giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 22 USD xuống 2.360,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.376,6 USD/ounce, giảm 31,2 USD so với rạng sáng cùng ngày.
Dự báo về xu hướng giá vàng, chiến lược gia trưởng thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures cho rằng, bất ổn địa chính trị tiếp tục hỗ trợ vàng và bất kỳ sự leo thang nào cũng sẽ đẩy giá lên phạm vi 2.500 USD/ounce. Kim loại quý này chỉ quay đầu giảm nếu các ngân hàng trung ương ngừng mua hoặc giới đầu tư quay trở lại với các tài sản rủi ro.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng hóa Caroline Bain của Capital Economics cho rằng, đợt phục hồi đẩy vàng lên vượt mốc 2.400 USD/ounce vào tuần trước sẽ là đợt tăng giá cao nhất của kim loại quý này trong năm nay khi thị trường điều chỉnh theo kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến.
Chuyên gia này nói rằng, bà lạc quan về vàng trong năm nay, tuy nhiên biến động về giá trong thời gian qua đã vượt xa kỳ vọng của bà và kim loại quý này có khả năng quay lại mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay.
Với giá vàng trong nước giữ ổn định và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.360,2 USD/ounce (tương đương gần 72,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 18/4 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là gần 12 triệu đồng/lượng.
- Lý do Tesla muốn trả Elon Musk khoản thù lao 55 tỷ USD
Ban lãnh đạo Tesla muốn lấy ý kiến cổ đông về việc trả khoản thù lao lên đến 55 tỷ USD cho Elon Musk.
Theo Business Insider, trong văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tesla, Robyn Denholm đưa ra một số lý do khiến tập đoàn muốn các cổ đông bỏ phiếu chấp thuận chi trả 55 tỷ USD cho Elon Musk.
Denholm cho rằng gói thù lao cũng như đề xuất chuyển địa điểm đăng ký thành lập công ty từ Delaware sang Texas là "rất quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của Tesla".
Chủ tịch hội đồng quản trị cho biết một cuộc bỏ phiếu ủng hộ gói trả thưởng cho Musk sẽ "khôi phục nền dân chủ cổ đông của Tesla", gọi đây là vấn đề về sự công bằng cơ bản và tôn trọng đối với CEO của họ.
“Elon không được trả tiền sau tất cả những gì ông ấy làm tại Tesla trong 6 năm qua, những điều tạo sự tăng trưởng đáng ghi nhận và mang lại giá trị cho cổ đông”, Denholm cho biết.
Chủ tịch tập đoàn xe điện khẳng định các cổ đông đều được hưởng lợi từ sự phát triển chưa từng có dưới sự dẫn dắt của Elon Musk. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, giá trị cổ phiếu Tesla đã tăng gấp 6 lần.
- Thao túng cổ phiếu, một nhà đầu tư bị phạt gần 600 triệu đồng
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt một nhà đầu tư số tiền 575 triệu đồng vì sử dụng 23 tài khoản nhằm tạo cung cầu giả cho cổ phiếu DST.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành quyết định xử phạt hành chính một nhà đầu tư về hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Cụ thể, căn cứ kết quả kiểm tra của UBCKNN đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (MCK: DST) và kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy: Trong giai đoạn từ ngày 24/2/2020 đến ngày 1/10/2020, ông Giang Tuấn Anh đã sử dụng 1 tài khoản chứng khoán của mình và 22 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư khác để giao dịch cổ phiếu DST với mục đích tạo thanh khoản và cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DST.
Ngày 15/4/2024, UBCKNN ban hành Quyết định số 445/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Giang Tuấn Anh số tiền 575 triệu đồng theo quy khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.
- VinFast ghi nhận doanh thu tăng trưởng 269,7% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ 2023
VinFast Auto Ltd. (Nasdaq: VFS), công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán của Quý 1, kết thúc vào ngày 31/03/2024.
Theo đó VinFast bàn giao tổng cộng 9.689 ô tô điện trong Quý 1, tăng 444% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu đạt 7.264 tỷ đồng trong Quý 1, tăng 269,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng trên là kết quả của các chiến dịch mới được triển khai như phát triển hệ thống đại lý và sự đón nhận của khách hàng với các mẫu xe mới.
Công ty ghi nhận lỗ gộp 3.619 tỷ đồng trong Quý 1. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ âm 172,9% trong Quý 1 năm 2023 lên âm 49,8%.
Thị trường nội địa tiếp tục đóng góp phần lớn vào doanh số bán hàng trong Quý 1. Song song với đó, VinFast cũng đã bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ tại thị trường Mỹ và một số đại lý mới đã bắt đầu ghi nhận doanh số.
Trong bối cảnh vĩ mô biến động dẫn đến những tác động bất lợi đối với ngành xe điện nói chung, VinFast đã đặt ra các kế hoạch rõ ràng và giữ mục tiêu giao 100.000 ô tô điện trong năm 2024 với doanh số sẽ chủ yếu được ghi nhận vào nửa cuối năm nhờ mạng lưới bán lẻ đang mở rộng nhanh chóng, các mẫu xe mới hướng đến tệp khách hàng đông đảo hơn và việc thâm nhập vào những thị trường mới.
Về sản phẩm, VinFast dự kiến mang tới thị trường Việt Nam mẫu mini-SUV VF 3 được công chúng mong đợi, ra mắt VF 9 và VF 7 tại thị trường Bắc Mỹ.
- Lần đầu xuất khẩu rau quả quý I vượt 1 tỷ USD
Trong quý I, giá trị xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 59% tổng giá trị rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 3 ước đạt gần 470 triệu USD, tăng hơn 44% so với tháng trước và tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy chỉ trong quý I, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả đã đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.
Đáng chú ý, rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu là thị trường Trung Quốc đạt gần 760 triệu USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm hơn 59% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.
Tiếp theo, giá trị xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đạt hơn 74 triệu USD, tăng 59%; thị trường Mỹ đạt gần 68 triệu USD, tăng 34%; Thái Lan đạt gần 48 triệu USD, tăng 112%.
- Kiều hối chuyển về TP.HCM quý I tăng cao nhất trong 3 năm gần đây
Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm hơn 59 % tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý I.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, quý I năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt 2,869 tỷ USD, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây, bằng 30,3% so với cả năm 2023. Trong khi quý 1 năm 2023 tăng 19,4%; năm 2022 tăng 14,2%.
Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm hơn 59 % tổng lượng kiều hối chuyển về trong quý I, tốc độ tăng trưởng ở mức 7,5% so với quý trước và tăng 86,1% so với cùng kỳ.
Với tỷ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng cao, kiều hối chuyển về từ khu vực này đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kiều hối về TP.HCM trong 3 tháng đầu năm nay. Trong khi đó lượng kiều hối chuyển về từ châu Âu và châu Đại Dương giảm.